Người nghèo ngậm ngùi “chia tay” bảo hiểm y tế
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:13, 28/01/2015
Nhiều hệ lụy phát sinh
Bị suy thận, mỗi tháng chị Nguyễn Thị Lan phải đến bệnh viện quận Thủ Đức để khám và nhận thuốc điều trị. Từ ngày 31-12-2014, thẻ BHYT của chị hết hạn. Khi đến UBND phường Hiệp Bình Chánh, (quận Thủ Đức) để đăng ký gia hạn thì chị Lan mới hay không thể tiếp tục tự mua BHYT. "Cán bộ giải thích, muốn được gia hạn tôi buộc phải đăng ký mua theo hộ gia đình. Là người dân nhập cư, muốn tham gia BHYT tại đây tôi phải thuyết phục được cả gia đình chủ nhà cùng tham gia thì mới được cấp thẻ" - Chị Lan buồn rầu nói.
Tại nhiều điểm cấp BHYT phường, xã, số người dân đến gia hạn BHYT rất ít. |
Tương tự trường hợp chị Lan, anh Trương Văn Đỉnh, ngụ tại phường 15 (quận Phú Nhuận) cũng đến UBND phường để mua BHYT cho người giúp việc của mình. Trước đây, gia đình anh Đỉnh đã tham gia BHYT thông qua doanh nghiệp nơi công tác, nay mua thêm bảo hiểm cho người giúp việc, quy định mới buộc cả gia đình anh phải cùng tham gia - tức thành 2 loại BHYT, tốn kém và phi lý. Về phía người giúp việc, người này gặp phải vướng mắc ở chỗ, nếu sử dụng thẻ bảo hiểm do địa phương nơi đăng ký thường trú cấp để khám chữa bệnh tại nơi đang làm việc là TP Hồ Chí Minh, thì BHYT sẽ giảm chi trả 70% chi phí khám, chữa bệnh do trái tuyến.
Liên quan vấn đề này, ông Cao Văn Sang - GĐ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Quy định mới BHYT bắt buộc người dân trong hộ gia đình san sẻ lẫn nhau cho từng người đang có nhu cầu sử dụng. Đối với trường hợp một số thành viên trong gia đình đã đăng ký tham gia BHYT thông qua doanh nghiệp nơi công tác thì vẫn phải tham gia để bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khác trong gia đình.
Việc cấp BHYT bắt buộc theo hộ gia đình sẽ tạo điều kiện cho toàn dân được sử dụng dịch vụ bảo hiểm. Số tiền quỹ bảo hiểm nhờ đó sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người dân không có nhu cầu tham gia BHYT, kéo theo các thành viên khác trong gia đình dù có nhu cầu nhưng không thể mua bảo hiểm. Hệ lụy rõ ràng nhất, người nghèo phải tạm ngưng tham gia BHYT vì không đủ tiền chi trả.
Người nghèo rời bỏ dần bảo hiểm y tế
Hiện tại, mức phí BHYT cho hộ gia đình áp dụng vào năm 2015 là 621.000 đồng/người. Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 trong gia đình tham gia bảo hiểm sẽ được đóng giảm dần theo thứ tự bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi, mức đóng chỉ còn 40%. Tuy nhiên, số tiền trung bình mỗi hộ phải đóng không dưới 2 triệu đồng/năm. Đây là một số tiền lớn đối với hộ nghèo. Do đó, khi bảo hiểm đã hết hạn thì người dân không có tiền để tiếp tục gia hạn.
Theo danh sách của UBND phường 15, quận Phú Nhuận, toàn phường có 150 trường hợp thẻ BHYT hết hạn. Hiện dù đã hết thời hạn làm thủ tục gia hạn, nhưng địa phương chỉ mới tiếp nhận 40 trường hợp hoàn thành thủ tục gia hạn BHYT. Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, cán bộ phụ trách BHYT tại UBND phường 15 nói: "Các đối tượng tham gia BHYT đa số là người nghèo. Nhiều cá nhân đã tham gia BHYT từ năm 2014 đến để làm thủ tục gia hạn, nhưng khi chúng tôi yêu cầu đóng tiền cho cả gia đình tham gia mới được gia hạn thì nhiều hộ đã tự động bỏ về, vì không có tiền chi trả".
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều điểm cấp BHYT trên các phường, xã thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh, số người dân đến gia hạn BHYT rất ít. Trung bình các điểm tiếp nhận gia hạn chỉ được khoảng 20-30 hộ. Trong số 909.000 thẻ BHYT của TP Hồ Chí Minh phát hành năm 2014, có 1/12 hết hạn sử dụng. Ông Cao Văn Sang - GĐ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua thành phố chưa thống kê được số hộ bỏ, không tham gia BHYT, vì quy định mới này mới được áp dụng từ ngày 15-1. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu chính sách dự đoán, với sự thay đổi này, một bộ phận hộ gia đình nhập cư, hộ lao động tự do sẽ thôi tham gia BHYT vì không đủ điều kiện kinh tế.