Cơ cấu "dân số vàng” và thách thức hiệu ứng ngược
Đời sống - Ngày đăng : 14:56, 27/01/2015
Việc đào tạo nghề góp phần quan trọng trong việc kéo dài giai đoạn "dân số vàng". Ảnh: Minh Bắc |
Thông thường tốc độ tăng nhanh của dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực giúp cho đất nước phát triển kinh tế. Theo thông kê dân số trong một khoảng thời gian nào đó luôn có tỷ số giữa người phụ thuộc (không tham gia hoạt động kinh tế) trên số người trong độ tuổi lao động (người tham gia hoạt động kinh tế) nhỏ hơn 50% được gọi là giai đoạn “dân số vàng” hay có thể hiểu là cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì chỉ có ít hơn 50 người phụ thuộc. Ở giai đoạn này, tổng số người nằm trong độ tuổi lao động luôn luôn lớn hơn so với số người phụ thuộc tính theo độ tuổi (gồm cả trẻ em và người già).
Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thì công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình trong năm 2014 đã làm tỷ lệ sinh giảm mạnh. Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, nếu hai năm 2011 và 2012, tỷ lệ sinh và sinh con thứ ba trên địa bàn Hà Nội luôn ở mức báo động, năm 2014 tỷ lệ sinh trên địa bàn đã giảm mạnh xuống còn 16,5%, giảm 1,22% so với năm trước; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm xuống còn 7,43%, giảm 0,3% so với năm trước. Đồng thời, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng lên và dẫn đến Việt Nam xuất hiện giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Nếu các số liệu thống kê của chúng là tin cậy thì có thể Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn “dân số vàng” ngay từ năm 2007. Một số chuyên gia về dân số và phát triển cho rằng, thường thì giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” ở mỗi quốc gia chỉ xuất hiện một lần, tiếp đó là giai đoạn già hóa dân số. Dự báo giai đoạn này ở Việt Nam có thể kéo dài tới sau năm 2040.
Hầu hết các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đều đã tận dụng rất tốt cơ hội của giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Nhờ đó họ đã cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm...
Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” ở Việt Nam bắt đầu trong điều kiện lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Các số liệu thống kê những năm gần đây chỉ có khoảng 16% dân số 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Tất nhiên con số qua đào tạo này có thể khác nhau nhiều vì còn tùy vào các tiêu chí xác định thế nào là lao động đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, dù xác định theo tiêu chí nào thì tỷ lệ này ở Việt Nam hiện vẫn khá thấp.
Còn về chất lượng lao động của Việt Nam cũng không được các chuyên gia lao động đánh giá cao bởi thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp. Điều này được thể hiện qua năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thuộc dạng thấp và kém so với các nước trong khu vực. Ngay tại Hà Nội, vấn đề này cũng được thể hiện khá rõ. Qua báo cáo khảo sát đội ngũ công chức hành chính của TP Hà Nội vào năm trước đây đã chỉ ra một số hạn chế như thiếu về số lượng; yếu về trình độ năng lực; bất hợp lý về cơ cấu giới tính và độ tuổi. Vì thế việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở một số đơn vị chưa tốt, chất lượng các dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết kịp thời, thấu đáo.
Một thực trạng đáng ngại khác nữa của lực lượng lao động ở Hà Nội là “thừa thầy thiếu thợ” hoặc thầy không ra thầy, thợ không ra thợ mà hậu quả là do tâm lý thích học đại học, sính bằng cấp, không thích học nghề… Một số huyện ngoại thành vẫn còn tình trạng lao động chưa được định hướng đào tạo phù hợp với ngành nghề cần thiết cho địa phương, làng nghề… Ngoài ra, Hà Nội đang là thành phố có tốc độ đô thị hóa khá cao, thêm vào đó là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất... nên diện tích đất dành cho nông nghiệp sẽ bị thu hẹp thêm. Từ đó, dẫn đến khả năng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn gia tăng.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới sẽ kèm theo một số lượng lao động các nước có tay nghề dịch chuyển đến, làm tăng tính cạnh tranh khi tìm việc làm, đó là điều khó tránh.
Tất cả những vấn đề vừa nêu trên sẽ trở thành gánh nặng gây hiệu ứng ngược nếu chúng ta không có những chính sách, giải pháp thích hợp. Đối với Hà Nội, để tận dụng tốt cơ hội cơ cấu “dân số vàng”, loại bỏ hiệu ứng ngược thì trước hết cần thực hiện nghiêm túc chính sách kế hoạch hóa dân số để duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình “già hóa dân số”; tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên năng suất lao động… Đặc biệt chú trọng việc mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường; cần tạo ra cơ cấu lao động hợp lý tức là lao động qua đào tạo nghề đạt trên 80%, có chính sách thu hút nhân tài có hiệu quả...