Sẽ tăng cường hình thức tranh tụng công khai trong xét xử

Đời sống - Ngày đăng : 14:32, 27/01/2015

(HNMO) - Đây là khẳng định của ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2015 của Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh diễn ra sáng nay (27-1).


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trương Hòa Bình cho biết, sắp tới sẽ đưa tinh thần tranh tụng vào các bộ luật Tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính). Theo ông Bình, trước đây ngành Tòa án Việt Nam nghiêng theo trường phái xét hỏi, nhưng sắp tới đây sẽ tham khảo, áp dụng tinh thần tranh tụng trong xét xử để trở thành "trường phái hỗn hợp" và ngành Tòa án sẽ sửa luật theo hướng này.

Ông Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.


Là địa phương có số lượng phải giải quyết các vụ án nhiều nhất, chiếm tới 1/7 số lượng án của cả nước, trong năm qua, ngành Tòa án TP Hồ Chí Minh đã xét xử 48.223 vụ án các loại trong tổng số 60.543 vụ án đã thụ lý, tăng 2.162 vụ so cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành Tòa án thành phố vẫn chưa khắc phục triệt để các vụ án quá hạn luật định, tỷ lệ giải quyết các vụ án còn thấp, đặc biệt là án dân sự, hành chính, thương mại (chỉ đạt hơn 79%) trong khi số lượng giải quyết các vụ án chung của toàn ngành đạt 92,8%. Do đó, ông Trương Hòa Bình cho rằng, với số lượng chiếm 1/7 số vụ án của cả nước, ngành Tòa án TP Hồ Chí Minh chỉ cần tăng 10% số vụ án được giải quyết sẽ góp phần rất lớn vào thành tích chung của ngành Tòa án nước nhà.

Cũng tại Hội nghị, ông Trương Hòa Bình nhắc lại, ngành Tòa án tuân theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, đồng thời đảm bảo nguyên tắc Tòa án độc lập, các cơ quan tư pháp độc lập, trong đó có Hội thẩm và Thẩm phán xét xử độc lập, tuân theo pháp luật và nghiêm cấm mọi hình thức can thiệp vào quá trình xét xử của Hội đồng xét xử nhằm đảm bảo đúng người, đúng tội.

Ông Trương Hòa Bình còn cho biết, trong quá trình sửa luật sắp tới, có một nội dung rất quan trọng là khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, nếu Tòa án thấy rằng chưa đáp ứng yêu cầu đưa ra xét xử thì Tòa có quyền trả hồ sơ. Sau khi trả, Viện Kiểm sát tiến hành thẩm tra lại và truy tố, nếu thấy đủ căn cứ Tòa sẽ xét xử, còn nếu vẫn không đủ căn cứ, Tòa sẽ tiến hành xác minh thu thập bổ sung chứng cứ. Nếu trường hợp Tòa xác minh vẫn thấy không đủ căn cứ truy tố thì đề nghị Viện Kiểm sát rút cáo trạng. Nếu Viện Kiểm sát không rút, sẽ đưa ra truy tố nhưng phải tranh tụng tại phiên tòa. Ông Bình cho rằng, đây là nội dung rất mới nhằm đảm bảo quá trình truy tố xét xử dân chủ, công khai, đảm bảo nhà nước pháp quyền và quyền tư pháp.

Tin, ảnh: Nguyễn Lê