Ấm áp một chữ “tình”

Sách - Ngày đăng : 07:04, 27/01/2015

(HNM) - Khi ca khúc


Và bất ngờ hơn khi được biết tác giả này là Đại tá - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Môi trường (Bộ Công an). "Mật mã vào tim" cùng "Tiếc mùa xuân", hai tập thơ mới của ông vừa xuất bản cuối năm 2014 sau những tập "Lặng thầm", "Trăng đầy", "Bóng mình", "Bóng người", "Tình xuân", đã thể hiện ấm áp một chữ "tình ".


Hai tập thơ với gần 200 tác phẩm thể hiện một giọng thơ bình dị mà chân tình, tứ thơ giản dị và gần gũi, câu chữ nhẹ nhàng mà thấm đượm cảm xúc và trên hết là tình cảm của tác giả với đất và người, với thiên nhiên, với cuộc đời ăm ắp tình yêu. “Tiếc mùa xuân” có thể nói như một bản tổng phổ cảm xúc bằng nhiều gam màu sắc phong phú ở những nơi tác giả đã đi qua, là sự hòa trộn của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông trong từng nhịp điệu thời gian, là tình đất tình người và vượt lên trên là tình yêu Tổ quốc. “Nghe từng nhịp gió ngỏ lời núi non/ Nghe sông gọi suối thượng ngàn/ Nghe rừng nức nở lũ tràn biển dâng… - (Nghe); Ta lắng nghe biển trở mình rất nhẹ/ Con sông quê lặng lẽ trôi dài/ Tiếng côn trùng rả rích bên tai/ Ru cỏ đất êm đềm giấc mộng…” - (Đêm quê)…

Nhưng ấn tượng đọng lại trong tập thơ này là những bài thơ viết về đồng đội: “Còn đó đây những đồng đội chưa về/ Nằm dọc Trường Sơn với cây rừng đá núi/ Trong sương gió đằm mình bên suối/ Ôm bè lau lặng lẽ ngắm sao đêm”. (Viết tên bằng máu); Về cảm nhận trái tim trong tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân và với lý tưởng mình đã chọn: “Bài thi của cha thử thách lửa cõi lòng/ Đang cháy trong tim hay âm ỉ tắt/ Tổ quốc thiêng liêng có gì so hơn được/ Mấy nghìn năm Xây - Giữ - Biển - Bờ”… (Đồng hành).

Ở tập thơ “Mật mã vào tim” tiếp tục tìm thấy những bất ngờ thú vị khác. Những tưởng thơ của “Cảnh sát Môi trường” - Đại tá Dương Xuân Linh nặng tình nước non thế sự, có chút nghiêm cẩn, có chút chỉn chu…, nhưng không phải vậy... Tập thơ này là một sự giao hòa đầy lãng mạn của một trái tim luôn có những nhịp rung động của tình yêu, không chỉ là tình yêu một con người cụ thể, mà còn là những con người mà ông đã gặp trên đường đời, một “Nàng Thơ” bất chợt hiện qua một chuyến đi, hay cả trong giấc mơ ký ức, hoài niệm… Một chút mơ, một chút thực, một chút trải lòng, một chút vấn vương: “Anh đúc nụ hồng từ máu trong tim/ Gửi tặng em qua từ trường sinh học/ Lọc hương trời chải mượt mà làn tóc/ Chiết nắng chiều thoa má môi son” (Nụ hồng); “Mượn sắc cầu vồng anh viết tên em/ Xé mảnh trời xanh để làm trang giấy/ Mở nửa tứ thơ gói tình vào đấy”….(Tiên nữ).

Cả tập thơ với 91 bài, như 91 khúc tự tình ngọt ngào về tình yêu với nhiều cung bậc, cảm giác như tác giả đang tự mình giải mã tiếng nói trái tim khi yêu, nhưng cũng như muốn gửi đến tri âm thơ để cùng mình giải mã: “Em cùng anh gỡ rối để chung đường/ Chung bến đỗ để người đời ngưỡng mộ” (Có thể).

Có thể vì công tác trong một ngành đặc thù nên thơ Dương Xuân Linh có sự ngắn gọn, súc tích từ cách đặt tên bài thơ đến những câu thơ. Phần lớn tựa các bài đều chỉ có 2-3 chữ, nhưng chỉ thế thôi cũng đã “nói” được với người đọc nhiều điều. Hai tập thơ với hai phong cách thơ vừa chỉn chu vừa lãng mạn nhưng đều chung một chữ “Tình” đằm thắm và ấm áp.

Hoài Hương