Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại: Diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi
Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 27/01/2015
Sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng nói chung và việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT đã góp phần hạn chế tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu so với những năm trước.
Cán bộ Đội QLTT số 5 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra, thu giữ hàng nhập lậu trái phép tại Bến xe Lương Yên. Ảnh: Minh Quân |
Theo báo cáo của Cục QLTT (Bộ Công thương), tình hình thị trường vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh, chống đối hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Điển hình như ngày 14-1 mới đây, Tổ công tác đặc biệt 113 - Bộ Công an phối hợp cùng Đội QLTT số 4 (Chi cục QLTT Hà Nội), Đội Cảnh sát môi trường số 3 (Công an Hà Nội) và Đội Cảnh sát môi trường quận Hoàng Mai đã kiểm tra xe tải mang BKS 16L-2098 chở hàng tại bãi đất gần Khu công nghiệp Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), phát hiện gần 600 kiện hàng nặng khoảng 60 tấn, gồm linh kiện điện tử, thiết bị vệ sinh, vải, quần áo, giày, phôi kính cận... có xuất xứ từ nước ngoài. Lái xe không xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và cho biết chiếc xe là của Công ty CP Thiết bị dầu khí Móng Cái. Đại diện tổ công tác nhận định, lô hàng thuộc về nhiều chủ. Sau khi hàng tập kết trót lọt sẽ vận chuyển tới cho từng chủ hàng để tiêu thụ.
Trên tuyến biên giới phía Nam, các đối tượng buôn lậu đã chuyển hướng sang vận chuyển bằng đường thủy để tránh sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng trên đường bộ. Hàng nhập lậu qua đường biển vào TP Hồ Chí Minh cũng khá lớn. Điển hình là Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 10 container hàng nhập lậu qua cảng Sài Gòn dưới hình thức nhập khẩu chính ngạch, gian lận hải quan trị giá khoảng 38 tỷ đồng.
Thuốc lá nhập lậu là một trong những mặt hàng trọng điểm được chú trọng kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là ở các điểm nóng như tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, năm 2014, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại. Đáng chú ý, sau khi Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, lực lượng QLTT cả nước đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và thu giữ 873.399 bao thuốc lá các loại (chiếm 43,67% so với cả năm 2014), xử phạt vi phạm hành chính hơn 10,2 tỷ đồng (chiếm 41%). Bước đầu ngăn chặn được một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng này, hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai thuốc lá nhập lậu.
Năm 2015, dự báo nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây hại tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Để góp phần hạn chế nhiều hơn nữa vấn nạn này, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và của Bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tuyên truyền pháp luật và kiểm tra kiểm soát thị trường. Lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến nền kinh tế - xã hội, đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Cục QLTT chỉ đạo các chi cục địa phương triển khai những nội dung kiểm tra, kiểm soát trọng tâm như chất lượng xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông trên thị trường; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, phân bón giả và buôn bán vận chuyển kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; khẩn trương hoàn thiện đề án chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trình lãnh đạo Bộ phê duyệt để triển khai thực hiện; phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các đợt cao điểm kiểm tra ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu…