Phòng, chống tội phạm tham nhũng: Cần tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 27/01/2015
Theo Trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh Văn phòng Bộ CA, năm 2014, CA các cấp đã phát hiện 439 vụ phạm tội tham nhũng, trong đó đã khởi tố điều tra, đề nghị truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Trên địa bàn Hà Nội, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi, Phó Giám đốc CATP cho biết, năm qua, CATP đã khám phá 41 vụ, 99 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết thêm, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng qua công tác của ngành KSND cũng được thực hiện rất nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ CA, TAND tối cao, từ đó, kết quả giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ có nhiều chuyển biến, tiến độ nhanh hơn, kết quả xử lý nghiêm minh hơn, được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ...
Nhưng thực tế, so với yêu cầu thực tiễn, việc phòng và chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có những khó khăn liên quan rào cản kỹ thuật là cơ sở pháp lý. Chẳng hạn, trong nhiều vụ án, ranh giới giữa tội phạm kinh tế và tội phạm tham nhũng rất khó xác định do quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng trong việc định danh hành vi phạm tội, trong giám định tài chính. Trong xét xử, khung hình phạt quá rộng cũng khiến việc định án không được sát với hành vi, có khi được coi là thiếu nghiêm khắc... Chính những khó khăn trên dẫn đến việc điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ còn chậm, chất lượng chưa cao. Ở một số vụ án, việc định tội còn lúng túng. Ngay như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như vừa qua, việc định tội bị cáo thuộc nhóm tội kinh tế ("lừa đảo chiếm đoạt tài sản") hay nhóm tội tham nhũng ("tham ô") đã gây tranh cãi giữa cơ quan tố tụng và phía luật sư bào chữa...
Do vậy, xuất phát từ quyết tâm trong tấn công tội phạm tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều kiến nghị trong việc bổ sung cơ sở pháp lý phù hợp hơn với thực tế. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Thành cho biết, thực tế công tác kiểm sát điều tra án tham nhũng tại địa phương cho thấy, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng quy định lại một số tội danh thuộc nhóm tội kinh tế thành tội tham nhũng, quy định về tội tham nhũng trong các doanh nghiệp cổ phần... Trong trường hợp chưa kịp sửa đổi cũng cần có thông tư hướng dẫn việc định danh, giám định trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ. Nhiều điều tra viên, kiểm sát viên giữ quyền công tố cũng kiến nghị Bộ luật Hình sự cần thu hẹp khung hình phạt để xử lý nghiêm hơn đối với các hành vi thuộc nhóm tham nhũng.
Bên cạnh những khó khăn về mặt pháp lý, thực tế vẫn còn thiếu những cơ chế quản lý con người trong các cơ quan công quyền, đơn vị kinh tế, thậm chí ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đó chính là lý do khiến từ phía các cơ quan giám sát và cơ quan bảo vệ pháp luật có nhiều ý kiến cho rằng cần luật hóa quy định và có chế tài nghiêm đối với các hành vi bao che, làm ngơ cho hành vi tham nhũng. Vì trong nhiều vụ án, hành vi này đã được xác định nhưng khó định tội để khởi tố, phần lớn chỉ kiến nghị xử lý hành chính, dẫn đến băn khoăn từ phía dư luận về việc một số cán bộ quản lý có liên quan nhưng không được xử lý nghiêm minh.
Phòng, chống tham nhũng là quyết tâm lớn, nhiệm vụ cấp thiết của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Cụ thể hóa quyết tâm chính trị đó nhất thiết phải có cơ chế đi cùng, thể hiện qua những hành lang pháp lý cụ thể, bám sát với thực tế và thể hiện được tính nghiêm minh, nghiêm khắc nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm.