Một thương hiệu Việt tại Đức

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:28, 25/01/2015

(HNM) - Cuối tháng 12 vừa qua, Công ty Thăng Long - một doanh nghiệp chuyên về thực phẩm, nhà hàng của người Việt ở Đức đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam.


Giờ đây, nói đến Thăng Long, nhiều người Đức đã hình dung ra chuỗi trên 30 nhà hàng ăn nhanh nằm rải rác, từ thủ đô Berlin náo nhiệt tới những thành phố xa xôi của Tây Đức như Cologne, Villingen và Konstanz... thậm chí còn vươn ra một số nước Châu Âu khác như Romania, Áo, Thụy Sĩ, Bulgaria. Để có được thành công này, những người sáng lập gồm Võ Văn Long, Nguyễn Huy Tuấn, Trương Địch, đã từng học tập tại Đức trước thời kỳ Bức tường Berlin sụp đổ - đã phải nỗ lực rất nhiều.

Ban lãnh đạo Công ty Thăng Long quyên góp ủng hộ ngư dân ở Trường Sa.


Trước khi cùng nhau mở nhà hàng đầu tiên ở Kaufpark Eiche vào năm 1994, Võ Văn Long, Nguyễn Huy Tuấn và Trương Địch, mỗi người đã có một cơ sở làm ăn: Long mở nhà hàng ở Freiberg, Tuấn có "Hạ Long" ở Berlin, nhưng công việc làm ăn mới thực sự phát triển khi ba người bạn này quyết định hợp tác với nhau. Thời đó, các món ăn Châu Á còn khá lạ lẫm đối với người Đức. Thế nên nhiều khi vừa bán hàng, ông chủ vừa phải giải thích, giới thiệu về món ăn cho khách như các nhà truyền bá văn hóa ẩm thực vậy. Sau một thời gian, nhiều khách hàng đã quen với món ăn ở Thăng Long lại tìm mua thực phẩm nguyên liệu, hỏi cách chế biến để mang về nấu thử. Vì vậy, ba ông chủ của Thăng Long được coi là người tiên phong trong việc giới thiệu các món ăn Việt Nam tới nước Đức. Nhiều thực khách thường xuyên của các nhà hàng ăn nhanh Thăng Long cho biết, họ thích các món ăn Việt Nam vì nhiều rau tươi, thanh, không nhiều dầu mỡ như món Trung Quốc, không cay như món Thái…

Theo Võ Văn Long, Nguyễn Huy Tuấn và Trương Địch, thành công trong 20 năm qua của Công ty Thăng Long trước hết là nhờ sự đoàn kết của ban lãnh đạo công ty. Các ông thường xuyên họp bàn, thảo luận về hướng phát triển của công ty, tháo gỡ những khó khăn nảy sinh. Trong công việc, các ông là đối tác hoàn toàn tin cậy, trong sinh hoạt thì cả ba gia đình là những người bạn thân thiết của nhau.

Ngoài ra, không thể không kể đến công sức của các trưởng chi nhánh và các nhân viên đã làm việc có trách nhiệm vì uy tín của công ty. Thành công của một doanh nghiệp Việt Nam tại Đức không chỉ là doanh thu cao, kiếm được nhiều tiền, mà còn phải tham gia, ủng hộ các hoạt động cộng đồng, đóng góp với quê hương đất nước và giáo dục thế hệ trẻ, tạo tiền đề để thế hệ thứ hai đứng vững và phát triển hơn nữa trong xã hội Đức. Vì thế, Công ty Thăng Long rất tích cực vận động các chi nhánh trong công ty cùng tổ chức các đợt quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị thiên tai, lũ lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào và chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

20 năm chưa phải là dài đối với một doanh nghiệp ở Đức nhưng đối với doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang hoạt động ở đất nước này thì không phải dễ dàng có được những thành công như vậy. Ngoài việc tạo thêm công ăn việc làm cho người Việt Nam tại Đức, sự lớn mạnh của Thăng Long còn góp phần thắt chặt sợi dây tình cảm của người dân địa phương với Việt Nam, xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế.

Huy Đức