Phải xử lý nghiêm hành vi bảo kê gian lận thương mại!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 25/01/2015
Gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng diễn ra quanh năm với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu mua hàng tăng cao so với ngày thường. Từ thời trang, mỹ phẩm không rõ xuất xứ gắn mác nhãn các thương hiệu nổi tiếng đến đồ điện, điện tử tiêu dùng xuất xứ Trung Quốc dán nhãn Đức, Hà Lan, Nhật Bản… Vì sao gian lận thương mại diễn ra phổ biến? Câu trả lời đầu tiên là vì lợi nhuận. Giá 1kg thịt trâu nhập về khoảng 50.000 đồng nhưng khi "chuyển thành" thịt bò thì số tiền thu về tăng gấp 5 lần. Tương tự, nếu "biến táo" Trung Quốc thành táo Mỹ hay New Zealand thì tiền lãi tăng ít nhất 4 lần. Với thời trang hay mỹ phẩm đội lốt các nhãn hàng nổi tiếng thì số tiền gian thương móc túi khách hàng là rất lớn.
Điều đáng nói thứ hai là đạo đức kinh doanh. Vì luật pháp không thể điều chỉnh hết mọi hành vi trong hoạt động thương mại nên đạo đức kinh doanh có vai trò đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp cần và có trách nhiệm trung thực với khách hàng. Thế nhưng khi đạo đức xã hội hiện nay đang có nhiều biểu hiện xuống cấp thì đạo đức kinh doanh của không ít thương nhân cũng bị kéo theo. Đạo đức kinh doanh vốn là một trong những tiêu chuẩn có thể mang ra cạnh tranh khi ASEAN hình thành cộng đồng vào cuối năm nay thì hiện nó đang trở thành khái niệm xa xỉ, thậm chí bị không ít thương nhân chế nhạo.
Và thứ ba, điều quan trọng nhất là hệ thống văn bản pháp lý và thực thi của các cơ quan chức năng. Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các văn bản luật trong hoạt động thương mại đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng đi sâu vào một số văn bản thì vẫn tồn tại không ít bất cập. Mức xử phạt quá thấp, chưa đủ răn đe, ví dụ trong gian lận xăng dầu, dù có thể phạt tiền đúng bằng số tiền họ thu lời bất chính, nhưng số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh vĩnh viễn thực tế rất ít nên chủ cây xăng sẵn sàng đánh đổi. Hay việc công ty nhập khẩu thịt trâu rồi "biến" thành thịt bò, khi họ chuyển đổi vòng vo và có thể xóa được dấu vết thì đó là lỗ hổng trong quản lý. Chưa kể hiện tượng bao che, bảo kê vì hầu như thanh tra của sở, ngành các tỉnh không phát hiện gian lận, trong khi thanh tra cấp bộ lại tìm ra được các cây xăng có gắn chíp. Còn với những người buôn bán nhỏ, dù cơ quan chức năng biết chắc chắn họ bán táo Trung Quốc nhưng dán nhãn táo Mỹ hay New Zealand nhưng đã bỏ qua, trong khi chống gian lận thương mại phải xử lý từ lớn đến nhỏ.
Cho đến nay chưa có vụ gian lận thương mại nào bị xử lý hình sự nên chưa thể răn đe các doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm khiến người tiêu dùng bức xúc vì họ trả tiền mua hàng thật nhưng nhận hàng giả, hàng nhái và trả đủ tiền nhưng nhận lại thiếu số lượng. Không thể quá hy vọng vào sự chuyển biến trong đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân nên muốn hạn chế được gian lận thương mại thì điều cần làm đồng bộ là chỉnh sửa những văn bản chưa phù hợp, lấp các lỗ hổng pháp lý và đặc biệt phải xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị có hành vi bảo kê.