Thách thức lâu dài
Thế giới - Ngày đăng : 05:54, 25/01/2015
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả Châu Âu đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ tấn công của các tay súng cực đoan cũng như những bất ổn tại khu vực Trung Đông đang "tiếp tay" cho IS mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng của 21 quốc gia chống IS tại London, Anh. |
Đây là lần đầu tiên liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu có cuộc gặp kể từ sau vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo (Pháp) và các vụ bắt cóc con tin sau đó khiến 17 người thiệt mạng. Ở thời điểm này, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực chạy đua với thời gian để cứu hai công dân bị IS bắt giữ. Theo tuyên bố của IS, vào khoảng 12 giờ 50 phút trưa 23-1, nếu Nhật Bản không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD, hai con tin người Nhật sẽ bị hành quyết. Và hiện tại, vẫn chưa có thông tin cập nhật nào về số phận của hai con tin khi hạn chót đã trôi qua hai ngày.
Trên thực tế, cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên quân quốc tế trong thời gian gần đây đã đạt được những kết quả nhất định. Trong Thông điệp Liên bang ngày 21-1, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định các cuộc không kích của liên quân đã có tác dụng ngăn chặn đà mở rộng của IS tại Iraq và Syria. Thất thế và suy yếu tại hai quốc gia này, IS đang lấn sang khu vực Nam Á đầy bất ổn với chiến dịch tuyển mộ các tay súng tại Afghanistan. Những bất ổn tại Trung Đông, đặc biệt tại các nước được coi là trụ cột trong chiến lược chống IS như Syria hay Yemen cũng đang tạo đất sống cho tổ chức này. Do đó, tại hội nghị này, các nước không chỉ tập trung vào mặt trận quân sự mà còn tăng cường hợp tác qua việc chia sẻ thông tin tình báo, đối phó với các vụ tấn công có thể của những tay súng nước ngoài trở về từ Trung Đông. Một nhóm chuyên gia sẽ được thành lập nhằm chia sẻ thông tin về việc ngăn chặn công dân các nước tham gia thánh chiến. Ước tính của Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol), có đến 5.000 công dân Liên minh Châu Âu đã gia nhập IS.
Tuy nhiên, việc thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố còn có một vấn đề hóc búa khác. Các chính phủ phương Tây nói rằng họ đánh IS ở Iraq cũng để chống chủ nghĩa cực đoan trong nước. Thế nhưng, chính sự bất ổn ở khu vực Trung Đông lại là mầm mống gây ra những hành động cực đoan. Từ vấn đề này có thể thấy, chính sách đối ngoại của phương Tây với thế giới Hồi giáo, đặc biệt là trong cuộc xung đột Israel - Palestine là một tác nhân quan trọng. Theo nhiều nhà phân tích, chính hành động của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông đã gây nên sự bất mãn trong thế giới Hồi giáo. Do đó, IS đã tận dụng điều này để kích động người dân, đặc biệt là giới trẻ, đi theo chúng với mục đích thay đổi xã hội đang sống. Các vụ tấn công ở Paris với cả ba thủ phạm đều sinh ra ở Pháp đã một lần nữa cho thấy mặt trái của tình trạng kỳ thị tôn giáo và tỷ lệ thất nghiệp cao của người nhập cư tại Châu Âu.
Vì vậy, cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố sẽ còn lâu dài và khó khăn. Cuộc chiến này không chỉ là bao nhiêu thành trì, bao nhiêu người chết, bao nhiêu quả bom được ném xuống. Những con số đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu bên trong các xã hội nhiều nước phương Tây còn tồn tại những mâu thuẫn và chưa có một chính sách thân thiện hơn với thế giới Arab. Đây thật sự là những thách thức đối với Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố.