Kiên quyết xử lý chung cư biến tướng tại quận Thanh Xuân

Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 23/01/2015

(HNMO) – Ngày 23/1, trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Triển khai năm trật tự văn minh đô thị” tại Báo Hà Nội Mới, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến xử lý nhà siêu mỏng siêu méo, chung cư biến tướng... vốn là vấn đề nóng bỏng trên địa bàn Thủ đô.


* Do việc đầu tư, xây dựng nhiều công trình trọng điểm đi qua địa bàn nên quận Thanh Xuân phát sinh không ít nhà siêu mỏng, siêu méo. Xin ông cho biết đến nay UBND quận đã có những biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

* Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - Nguyễn Xuân Lưu: Ở các dự án mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở, đường bờ trái và phải Sông Tô Lịch, xây dựng đường Vành đai 3 (sau năm 2004 đến năm 2010) có 71 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Đến nay, Quận đã xử lý dỡ bỏ, hợp thửa hợp khối, thực hiện thu hồi 65 trường hợp; còn lại 06 trường hợp đang được UBND quận thực hiện phương án xử lý theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội; Trong đó, có 5 trường hợp xử lý giữ nguyên trạng, chỉnh trang hợp khối kiến trúc; 1 trường hợp xử lý thu hồi nốt diện tích còn lại.

Bên cạnh đó, các dự án đường Vành đai 2, thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông (từ năm 2013 đến nay) có 150 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Đến nay, quận đã xử lý hợp thửa hợp khối 53 trường hợp, 3 trường hợp đã được UBND quận chấp thuận phương án xử lý kiến trúc làm bảng tin cụm dân cư, biển quảng cáo rao vặt miễn phí, còn 94 trường hợp UBND quận đang tiếp tục vận động hướng dẫn các chủ sử dụng thực hiện hợp thửa hợp khối công trình, các trường hợp không hợp thửa hợp khối UBND quận sẽ tiến hành xử lý thu hồi đất theo quy định.

Cụ thể tại Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vương Thừa Vũ - Ngã Tư Vọng có 51 trường hợp có 27 trường hợp đã xử lý hợp thửa hợp khối; 24 trường hợp đang tiếp tục xử lý. Tại dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội có 82 trường hợp, trong đó 17 trường hợp đã xử lý hợp thửa hợp khối; 3 trường hợp đã được chấp thuận phương án xử lý kiến trúc; 62 trường hợp đang tiếp tục xử lý. Tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có 17 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp đã xử lý hợp thửa hợp khối; 8 trường hợp đang tiếp tục xử lý.

Trong thời gian tới, quận Thanh Xuân đang có hướng xử lý là đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tiếp tục xử lý, UBND quận căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của UBND thành phố Hà Nội, văn bản hướng dẫn số 3382/QHKT-TTNCKTĐT ngày 25/8/2014 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, văn bản hướng dẫn số 7825/STNMT-KHTH ngày 26/12/2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tiến hành lựa chọn, áp dụng các hình thức. Một là, khuyến khích chủ sử dụng thực hiện hợp thửa hợp khối về kiến trúc, mặt đứng với công trình liền kề để tạo sự thống nhất về kiến trúc cảnh quan trên toàn tuyến. Thông báo, hướng dẫn các chủ sử dụng thực hiện công tác hợp thửa hợp khối công trình.

Hai là nếu quá thời hạn được thông báo, các chủ sử dụng không tiến hành hợp thửa hợp khối, UBND quận tiến hành thu hồi để lập phương án xây dựng các công trình sử dụng vào mục đích công cộng theo nhu cầu của địa phương như: Kiốt sách báo, bảng tin, trạm tuần tra nhân dân…

Ba là, công tác quản lý đất đai sau GPMB cũng được UBND quận chỉ đạo, giao UBND phường phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng quận tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm vào chỉ giới mở đường của dự án, xây dựng công trình siêu mỏng, siêu méo.

Quận Thanh Xuân có nhiều biện pháp xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu mỏng. Ảnh minh họa từ Internet.


*Thời gian qua, có một công trình biến tướng chung cư mini trên địa bàn quận dẫn đến tình trạng quá tải về cơ cở hạ tầng, xin ông cho biết ý kiến của mình như thế nào? Biện pháp xử lý?

* Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - Nguyễn Xuân Lưu: Các căn cứ để UBND quận thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng công trình có thể kể đến là: Nghị định số 64/2012/NĐ-CP; Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng và Quyết định số 59/2013/QĐ-UBND ngày 19/12/2013 của UBND Thành phố quy định cấp GPXD trên địa bàn Thành phố; UBND quận Thanh Xuân đã nghiêm túc thực hiện cải cách hành chính trong công tác cấp phép xây dựng công trình nhà ở, đảm bảo chất lượng và thời gian để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân ngày một tốt hơn. Kết quả, năm 2013, quận đã cấp 533 GPXD, năm 2014 cấp 837 GPXD cho người dân có nhu cầu. Đặc biệt đối với các trường hợp sau GPMB (các dự án: đường Vành đai II, đường ven Sông Lừ ...), UBND quận đã có chỉ đạo rút ngắn hơn nữa thời gian xét cấp GPXD phục vụ người dân trong diện giải tỏa (từ 15 ngày làm việc theo quy định xuống 5 ngày làm việc). Trong đó, UBND quận không cấp phép xây dựng trường hợp chung cư mini nào trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, một số trường hợp chủ đầu tư xây dựng, sử dụng sai giấy phép xây dựng được cấp, biến tướng dẫn đến hình thành một số công trình có hình thức “chung cư mini” trên địa bàn như đã được phản ánh trong thời gian qua (tầng lửng, tum thang thành một tầng). UBND quận kiên quyết xử lý, cưỡng chế hoặc yêu cầu chủ đầu tư tự dỡ bỏ từ 1 đến 3 tầng (ví dụ: Công trình số 53+55 phố Nhân Hòa, số 47 phố Vũ Trọng Phụng, số 422 đường Khương Đình ..). UBND quận đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sau cấp phép xây dựng trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo chính quyền phường, các cơ quan chức năng của quận có biện pháp tuyên truyền, hạn chế tối đa các trường hợp phát sinh “chung cư mini” mới để đảm bảo quyền lợi của những người dân sinh sống xung quanh và những người mua nhà.

* Thực tế thời gian qua, trên địa bàn quận Thanh Xuân đã xảy ra một số vụ xây dựng không phép, sai phép gây "nóng" dư luận. Theo ông có bao nhiêu việc như vậy? Đúng, sai? Đến nay việc xử lý đến đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Công tác quản lý TTXD trên địa bàn quận có chuyển biến gì không?

* Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân- Nguyễn Xuân Lưu:
Về công tác quản lý TTXD trên địa bàn quận, UBND quận đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về trật tự xây dựng đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn lao động tại các công trình xây dựng, để vật liệu, phế thải xây dựng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị đối với các trường hợp xây dựng phát sinh trên địa bàn; tổ chức xử lý đối với các trường hợp xây dựng có vi phạm (không phép, sai phép). Năm 2014, Đội Thanh tra xây dựng quận, UBND các phường đã lập hồ sơ 228 trường hợp xây dựng vi phạm và tổ chức xử lý theo quy định, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền phạt là 250 triệu đồng, tổ chức nhiều đợt ra quân cưỡng chế giải tỏa đối với các trường hợp lều lán tạm trên khu vực đất công, đất nông nghiệp tại phường Khương Đình, Hạ Đình, Khương Trung…

Đối với các công trình xây dựng không phép xảy ra trên địa bàn quận cơ bản đã được xử lý kịp thời. Đối với các công trình xây dựng có phép trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư tiến hành che chắn, dựng hàng rào bảo vệ, màn che vật liệu, thi công vào ban đêm,… do đó công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên còn hạn chế, việc phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm đôi lúc chưa kịp thời dẫn đến vẫn để xảy ra một số công trình xây dựng vi phạm gây bức xúc trong dư luận, các cơ quan truyền thông phản ánh. Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí về các công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường, các đơn vị, phòng, ban chuyên môn kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy trình quy định; tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Đối với các trường hợp vi phạm đã đưa vào sử dụng từ trước nếu không vi phạm chỉ giới đường đỏ xây dựng, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không có tranh chấp kiến nghị của các hộ dân xung quanh, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư; UBND quận giao các đơn vị phòng ban chuyên môn nghiên cứu đề xuất áp dụng Khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013, xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Trong thời gian tới, UBND quận tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo; giao trách nhiệm rõ người rõ việc, yêu cầu Đội Thanh tra xây dựng quận, UBND các phường kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không kịp thời kiểm tra, xử lý, báo cáo đến cấp có thẩm quyền giải quyết đặt biệt là nếu để xảy ra tình trạng xây nhà trên đất công, đất nông nghiệp. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, thực hiện nghiêm  “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

* Cảm ơn ông!

Lan Hương (ghi)