Doanh nghiệp Việt Nam phải làm thuê trên "sân nhà": Nguy cơ đang hiện hữu
Kinh tế - Ngày đăng : 05:31, 23/01/2015
Chưa có nền tảng để phát triển bền vững
Ngày 22-1, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015". Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2015 dấu hiệu phục hồi nền kinh tế đã rõ rệt hơn, dù vẫn còn chậm. Năm 2015 cũng có nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện các chính sách vĩ mô bởi chúng ta đã đẩy lùi được "bóng ma" lạm phát, tất cả chính sách tài khóa, kể cả bội chi và chính sách tiền tệ đều không gây ra tác động lạm phát. Hệ thống pháp luật cũng đã tương đối hoàn thiện, hướng tới hội nhập tạo thuận lợi cho DN.
Dệt may Việt Nam luôn nằm trong nhóm ngành xuất khẩu chủ lực nhưng về cơ bản vẫn là gia công, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Ảnh: Thái Hiền |
Dù vậy, TS Trần Du Lịch cũng cảnh báo những thách thức khi kinh tế Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cùng hàng loạt hiệp định thương mại sẽ được thực thi trong năm 2015. Đó là nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ nhà nước, kinh tế Việt Nam năm 2015 đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn trên nền tảng cũ là dựa vào lao động rẻ, bán tài nguyên thô và chủ yếu là kinh tế đầu cơ, chưa có nền tảng công nghiệp để bảo đảm phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta mở cửa rất nhanh và cải cách thể chế không kịp với tiến trình mở cửa và tự do hóa nên sẽ gây sức ép cho doanh nghiệp (DN), nhất là DN khởi nghiệp.
Cần doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển trong năm 2015 nhưng không ít DN tỏ ra lo lắng trước ngưỡng cửa hội nhập, đặc biệt là sự xâm nhập ồ ạt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là lo ngại không chỉ của DN nhỏ mà cả DN lớn.
Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, yêu cầu bức thiết khi hội nhập là nền kinh tế Việt Nam phải do DN Việt Nam dẫn dắt. Trong khi đó, những DN lớn hiện nay lại chủ yếu là DN FDI và một số DN nhà nước. Thế nhưng DN nhà nước trong thời gian qua đã không hoàn thành vai trò dẫn dắt nền kinh tế, dễ dẫn tới việc các DN dân doanh vừa và nhỏ vốn chiếm đến 97% DN Việt Nam sẽ gặp không ít rủi ro khi hội nhập. Cụ thể với ngành thép, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã làm mất vai trò đầu đàn. Trong khi đó 3 công ty thép lớn nhất của Việt Nam là Hòa Phát, Pomina, Hoa Sen nếu so với quy mô của các công ty FDI đang đầu tư tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ thì lại rất nhỏ. Vì vậy, theo ông Lê Phước Vũ, đứng bên cạnh những "ông khổng lồ" thì khoảng trống cơ hội cho những DN như Hoa Sen không còn nữa. "Nên nếu mai sau tôi phải bán cổ phần cho một công ty nước ngoài như một số DN đang làm thì cũng không gì lạ, vì chúng tôi không còn cơ hội", ông Lê Phước Vũ nói.
Trong tình huống trên, nếu gia nhập ASEAN mà ngành thép không được dẫn dắt bởi các DN Việt Nam thì thị trường thép Việt Nam sẽ là của Thái Lan, Malaysia… và người tiêu dùng sẽ phải mua với giá cao. Mặt khác, khi thị trường trong nước dần bị các công ty nước ngoài "thâu tóm", DN Việt Nam không cạnh tranh được trong nước thì không thể tính chuyện ra nước ngoài. "Chúng ta cần thu hút vốn FDI nhưng nếu không tỉnh táo thì nền kinh tế sẽ rơi vào tay người nước ngoài và DN Việt Nam sẽ đi làm thuê cho các DN Thái Lan, Malaysia…", ông Lê Phước Vũ cảnh báo và cho rằng, hội nhập là việc phải làm nhưng phải chuẩn bị nội lực.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Năm 2014, riêng mặt hàng dầu, Việt Nam xuất khẩu 7,23 tỷ USD dầu thô và nhập 8,2 tỷ USD. Trong đó nhập khẩu 532 triệu USD dầu thô và 7,67 tỷ USD xăng dầu, như vậy cân đối xuất nhập khẩu mặt hàng dầu năm 2014 là âm 970 triệu USD. Xét về mặt hàng dầu là đang thâm hụt, tuy nhiên với cung cầu ngoại tệ thì không chỉ nhìn vào con số thương mại mà còn các giao dịch khác như kiều hối hằng năm và các dòng vốn vẫn tiếp tục vào khi Việt Nam đang được nâng cao, được chỉ số tín nhiệm. Dù vậy NHNN Việt Nam vẫn theo dõi sát sao để đề ra chính sách phù hợp. |