Tết đến sớm
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 22/01/2015
Đại diện Báo Hànộimới và các đơn vị trao quà cho các hộ nghèo và hộ chính sách. |
Đã gặp và chứng kiến rất nhiều cảnh đời bất hạnh, nhưng câu chuyện của chị Khuất Thị Nở ở thôn 8, xã Ba Trại vẫn làm chúng tôi xúc động. Mới 41 tuổi nhưng chị Nở đã sọm đi vì phải làm việc quá sức. "Không nhắc đến thì thôi, cứ mỗi lần nghĩ đến em chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy tội cho bọn trẻ anh ạ!" - chị Nở nghẹn ngào gạt nước mắt kể với chúng tôi.
Chị Nở lấy chồng, sinh được một trai, một gái ở thôn 8, ai cũng bảo thế là "có nếp, có tẻ", là sướng! Thế rồi tai họa liên tiếp giáng xuống gia đình chị. Khi cháu Khuất Thị Hoài Linh cất tiếng khóc chào đời, các bác sĩ cho biết, cháu bị tim bẩm sinh. Gia đình chẳng dư giả gì, chị Nở hằng ngày đưa con đến bệnh viện thuốc thang chạy chữa, nhưng nhiều hôm lên lớp học mà Linh ngất lên ngất xuống vì những cơn đau tim vẫn cứ hành hạ. Đến khi Linh học lớp 5, chị Nở giao nhiệm vụ cho cậu con trai cả là Khuất Văn Quyết đi đón em bằng xe đạp. Thế rồi Quyết bị tai nạn giao thông vỡ xương mặt, xương hàm, xương sọ và vĩnh viễn mất đi một con mắt. Sau tai nạn, Quyết phải đi phẫu thuật đến 6 lần mà vẫn không thể lành lặn. Từ đấy, cánh cửa cuộc đời như khép lại với Quyết, kéo chị Nở đến với cái nghèo, bao nhiêu gia sản phải đội nón ra đi để lo thuốc thang chạy chữa cho con. Túng thiếu, lại không có nghề nghiệp ổn định, ngoài mấy sào ruộng cấy lấy gạo ăn, ai thuê gì chị Nở đều nhận làm lấy công. Vậy nhưng những cơn đau khớp lại liên tục hành hạ chị. Các bác sĩ cho biết, chị bị thoái hóa khớp và chỉ làm được việc nhẹ. Với chị Nở giờ đây, cái ăn còn phải tính toán, đong đếm nói gì đến chữa chạy cho con. "Các bác sĩ bảo chuẩn bị 50 triệu đồng để mổ tim cho cháu Linh, nhưng nhà em ăn còn không đủ, lấy đâu ra từng ấy tiền!" - chị Nở lại gạt nước mắt nói với chúng tôi.
Vận chuyển quà đến chia các hộ nghèo. |
Cũng chung cảnh khó khăn, ông Nguyễn Thanh Bằng năm nay đã 62 tuổi, bị ảnh hưởng chất độc hóa học nhưng hằng ngày vẫn phải chăm lo cho con câm điếc. Tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, trở về quê hương, ông Bằng không biết mình bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Đứa con đầu lòng của ông đã lớn mà không nói được gì. Đến người con út, lại không thể nghe được người khác nói. Nhà nghèo, hai con lớn không được học hành gì, phải đi phụ xây kiếm tiền giúp bố mẹ. Bản thân ông Bằng mỗi khi trái gió trở trời lại đau buốt đầu, nhức mỏi. "Giờ hai vợ chồng tôi đi sao chè thuê, mỗi ngày cố lắm chỉ được vài mươi nghìn đồng. Mà cũng không có việc thường xuyên đâu anh ạ!" - ông Bằng cho biết về cuộc sống của mình. Đón nhận tấm chăn ấm từ Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà, bộ nồi nhôm và túi quà Tết, ông Bằng cứ vuốt ve: "Thế là năm nay Tết đến sớm với gia đình chúng tôi rồi anh ạ!".
Rời xã Ba Trại, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với xã Phong Vân. Chiếc xe chở hàng của siêu thị Nguyễn Kim đã vơi đi một nửa nhưng dường như vẫn chất nặng nghĩa tình của những người làm báo Đảng và cán bộ, công nhân viên Công ty Ngọc Hà. Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết: "Xã còn 2,7% hộ nghèo thôi, nhưng họ đều là những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
và không thể thoát nghèo". Theo ông Cường, đây là những gia đình có người nhà mắc bệnh, đơn thân, không có sức lao động nên phải nhờ sự trợ giúp của xã hội. Điển hình là hộ gia đình anh Phùng Văn Tiến. Anh Tiến bị liệt cả hai tay, phải sống nhờ vào sức lao động của mẹ già và người vợ quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời". Thế nhưng số phận không buông tha cho anh, cách đây 3 năm, vợ anh Tiến mất do tai biến mạch máu, để lại đứa con thơ mới 2 tuổi. Người mẹ già, chỗ dựa còn lại của anh cũng mới qua đời chưa đầy năm. Giờ đây, ông bố liệt hằng ngày phải chăm đứa con mới 5 tuổi.
Trở về từ chiến trường với thương tật 4/4, ông Phạm Văn Nam đã mất đi cả một bên chân. Năm nay bước sang tuổi 74, ông thường xuyên bị những cơn đau hành hạ. Giọng trầm buồn, ông kể: Năm 1965, đang là thầy giáo, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong. Năm 1967, được biên chế vào Trung đoàn Đồng Nai. Trong một trận đánh, ông bị thương, bị địch bắt và đưa ra Phú Quốc, chịu đủ các đòn tra tấn dã man. Qua 4 năm 8 tháng, năm 1973, ông Nam được trao trả tù binh. Trở về Bắc, ông được đưa đi điều dưỡng, về quê năm 1985 rồi kết hôn với bà Chu Thị Thuổi. Hai ông bà được 5 người con nhưng đều gắn bó với đồng ruộng. Bà Thuổi kể giọng buồn buồn: Cậu út thì chưa vợ con gì, còn cô thứ ba, cũng không chồng con, ở nhà làm ruộng và chăm sóc bố mẹ. Phong Vân vốn là vùng đất nghèo nên dù sớm tối với đồng ruộng, hai con của ông Nam, bà Thuổi vẫn thiếu trước, hụt sau. Đến năm 2014, nhà ở quá dột nát, ông bà quyết định sửa lại mái nhà. "Xong công trình thế kỷ, tôi còn nợ hơn 60 triệu đồng anh ạ. Không biết bao giờ mới trả được!" - ông Nam thở dài nói với tôi.
50 cảnh đời mà chúng tôi gặp ở Phong Vân, ở Ba Trại là những cảnh đời thực sự đặc biệt, đúng như ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phong Vân nói: Hầu hết họ không có khả năng tự thoát nghèo. Tại buổi trao quà Tết, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa, đại diện Quỹ Trái tim nhân ái cũng xúc động: Chút quà mà Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà và Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới là sự sẻ chia, động viên với các gia đình khi Tết đến, xuân về, mong các gia đình có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn trước mắt. Còn ông Hà Đình Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Hà cho biết, là người đã từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống, ông rất hiểu và cảm thông với những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, tại Công ty Ngọc Hà, ông đã tuyển dụng tới 1/3 là người khuyết tật. Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cũng có tới 50% là cựu chiến binh, thương binh. Giờ đây, tuy chưa phải giàu có, nhưng ông rất mong muốn được sẻ chia những khó khăn với người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Nhiều năm nay, Công ty Ngọc Hà đã phát động phong trào 1.000 chăn ấm cho trẻ em vùng cao và cùng với Báo Hànộimới đồng hành vì người nghèo.