Biên bản chiến tranh - Giải mã chiến thắng năm 1975 của Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 16:02, 21/01/2015
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành, bằng điểm nhìn từ “phía bên kia” chiến tuyến, có thể xem là cuốn sách hiếm hoi giải mã thuyết phục được thắng - thua trong chiến tranh năm 1975 của đất nước.
Tác phẩm được ông ấp ủ trong gần 40 năm, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, khi ông may mắn được chứng kiến và viết bài báo tường thuật đầu tiên về thời khắc trọng đại của dân tộc.
Phục dựng lại cuộc chiến từ điểm nhìn “phía bên kia”
Trong cuộc đời làm báo đầy thăng trầm của các nhà báo tên tuổi ở Việt Nam, nhắc đến Trần Mai Hạnh, độc giả nghĩ ngay đến một trong những nhà báo được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu, may mắn có mặt, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30 – 4 – 1975 tại Dinh Độc Lập.
Bên cạnh những bài báo nóng hổi tính thời sự kịp thời cung cấp cho độc giả liên quan đến ngày trọng đại của dân tộc, ông đã có thêm hai cuốn sách “Sụp đổ và tự thú” cùng với “Ngày tận thế” xuất bản năm 1985 và 1987. Tuy nhiên, với “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là một bức tranh hoàn toàn khác khi Trần Mai Hạnh phục dựng lại toàn bộ giai đoạn cuối của cuộc chiến, từ tháng 1 đến tháng hết tháng 4.1975 bằng điểm nhìn “phía bên kia” chiến tuyến gói gọn trong 19 chương.
Là một người nắm giữ trong tay nhiều tài liệu quý liên quan đến cuộc chiến mà không phải ai cũng may mắn và có cơ duyên có được, thêm nữa lại ý thức về một dự định sẽ viết cuốn sách này ngay từ những ngày ấy: “Ý định xây dựng cuốn sách này nảy sinh trong tôi từ những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Vì những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần, nên tôi đã cố gắng ghi chép thật nhiều những gì có cơ may chứng kiến, sưu tập thật nhiều những tài liệu nguyên bản từ phía bên kia mà mình có cơ duyên tiếp xúc, với mong muốn phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà – chính quyền Nguyễn Văn Thiệu”… Vậy nhưng phải gần 40 năm sau, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo Trần Mai Hạnh mới ra mắt độc giả. Phải chăng, đó là độ lùi cần thiết của một người cầm bút, là sự chiêm nghiệm, chọn lọc, cái nhìn điềm tĩnh, khách quan… của người từng trải như nhà báo Trần Mai Hạnh?
Điểm đặc biệt đáng chú ý của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là mọi sự kiện, diễn biến, nhân vật, tình tiết, thậm chí đến chi tiết… đều được lấy từ sự thật của những tài liệu nguyên bản như các thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Nickxon, G.Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu, phúc trình của các tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn… mà nhà báo Trần Mai Hạnh có được khi sự sụp đổ của bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ tan rã một cách quá bất ngờ và chóng vánh, tất cả tài liệu mật chưa kịp mang đi hoặc tiêu huỷ.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa mấy chục năm, nhưng nỗi đau dai dẳng của cuộc chiến thì vẫn còn đó, vẫn hiện diện trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình… vậy mà trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 độc giả không hề thấy những phán quyết, sự thù hằn hay bất cứ bình luận gì từ phía tác giả. Cảm giác tác giả là người phân thân rất giỏi đến độ như người của phía bên kia, trong mọi nhất cử nhất động của bộ máy chính quyền Sài Gòn cũ đều nắm rõ và ghi chép lại một cách cẩn thận. Ngay cả những bình luận trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” cũng đều được lấy từ báo, tạp chí ở Mỹ, các nước phương Tây, báo Sài Gòn… rất khách quan và sắc sảo.
Nếu ai đó cho rằng tiểu thuyết tư liệu là thể loại ít sáng tạo, mặc dù ra đời đã từ khá lâu và được chấp nhận trên thế giới nhưng chủ yếu đánh vào sự tò mò của độc giả. Thậm chí những tiểu thuyết tư liệu bán chạy nhất trên thế giới thường giải mật các vụ án mà lâu nay vẫn bị chìm trong bí ẩn. Thế nhưng có những sự kiện của lịch sử gắn liền với một dân tộc thì sự thật có khi còn được đánh giá cao nhất, hơn cả những sáng tạo hư cấu và “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh là một trường hợp như thế. Cuốn sách được hình thành một phần vì tác giả có cơ duyên nắm trong tay những tài liệu mật, vô cùng quý giá, một phần do khả năng tổng hợp, chắt lọc chi tiết đắt mà quan trọng hơn là tác giả Trần Mai Hạnh đã từng sống, từng đắm mình trong cái không khí, cảm xúc của những thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ tại thời điểm đó. Và đây chính là hồn cốt đầy thuyết phục, vừa thống nhất trong toàn bộ nội dung cuốn sách vừa mang dấu ấn riêng của ngòi bút tác giả. Ngay cả nhiều cuốn sách văn học hiện nay viết về chiến tranh, độc giả dễ dàng nhận diện ra “lỗi” của tác giả khi đưa đẩy câu chuyện, chỗ nào đụng đến chiến tranh là như trút toàn bộ tư liệu đã thu nhập sẵn có bằng nhiều nguồn như sách báo, lời kể… mà không qua cách nhìn của riêng tác giả khiến tác phẩm bị gẫy, không nhuần nhị. Thật vậy, giả sử có mang tất cả những tư liệu mà Trần Mai Hạnh đã và đang có đặt sẵn trên bàn cũng khó khiến một người chưa từng được sống trong bối cảnh đó viết nên cuốn sách chứ chưa nói đến thế hệ trẻ chưa từng biết đến chiến tranh. Lịch sử đã chọn ông. Nếu Trần Mai Hạnh không viết thì không biết đến bao giờ và ai có thể viết được.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” dù không có một từ nào lý giải, cắt nghĩa vì sao chúng ta chiến thắng nhưng cuốn sách lại chính là câu trả lời thuyết phục “vì sao chúng ta thắng”. Nó giải mã những tranh cãi mà lâu nay chúng ta thường đặt ra bằng chính những tính toán, chiến thuật… liên tiếp thất bại của nguỵ quân nguỵ quyền. Cuốn sách đã trả lại toàn bộ sự thật cho lịch sử trong một thái độ điềm tĩnh và khách quan. Và đây chính là giá trị vượt khỏi khuôn khổ một cuốn sách khi nó mang trong mình sự thật về một cuộc chiến của một dân tộc.
Sau ba lần in nối bản, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo Trần Mai Hạnh thì năm 2015 cuốn sách sẽ được tái bản có bổ sung và có thêm phụ lục, công bố toàn văn 21 tài liệu với khoảng 150 trang in mà tác giả đang lưu giữ. Đây đều là những tài liệu tuyệt mật về cuộc chiến của “phía bên kia” được đánh máy nguyên văn từ gần 40 năm trước theo đúng các tài liệu gốc thu được tại phòng làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà tại Dinh Độc Lập và phòng làm việc của Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào trưa và chiều ngày 30-4-1975 lần đầu được công bố. Phần tư liệu này không chỉ chứng thực mà còn giúp ích cho độc giả tra cứu, làm tư liệu rất thiết thực.
Tính nhân văn và kỳ vọng văn chương từ cuốn sách
Tác giả Trần Mai Hạnh khẳng định: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” chưa phải là cuốn sách mà ông có tham vọng đặt ra vấn đề văn chương ở đây. Tuy nhiên, cuốn sách có những cảnh được tái hiện sự bi thương, hỗn loạn tột cùng của biết bao cuộc rút chạy nơi đường phố, sân bay, ngân hàng… ám ảnh dai dẳng lương tri của con người không hề kém cạnh với những trận đánh quyết tử, hoành tráng trong các tác phẩm chiến tranh kinh điển. Rồi một số chi tiết, nhân vật rất “đời” được tác giả chọn lựa và xây dựng tài tình, gần gũi và sắc bén. Khi đọc những dòng cuối của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, độc giả không phải lăn tăn, tranh cãi hay nghi ngờ về tính xác thực như một số cuốn tiểu thuyết xưa nay đụng chạm đến lịch sử mà sẽ ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc đời con người đằng sau cuộc chiến, bất kể bên thắng hay bại. Và tự thân điều đó đã chứa đựng chất nhân văn, văn học của một cuốn sách.
Với chất liệu xây dựng cuốn sách hoàn toàn từ sự thật nên cuốn sách chắc chắn không chỉ có giá trị nhất thời mà sẽ sống cùng thời gian và các thế hệ của đất nước. Không những thế cuốn sách cho độc giả hi vọng sẽ là “bản lề” để các loại hình nghệ thuật như văn học, sân khấu, điện ảnh… tái hiện thông qua thủ pháp hư cấu.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được viết bằng điểm nhìn thời gian bắt đầu từ Noel năm trước cho đến hết tháng 4/1975 nhưng tác giả đã khéo léo xây dựng con người với tính cách, số phận của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho đến cuối đời. Giá như tác giả đầu tư kỹ hơn về nhân vật Nguyễn Văn Thiệu với những lát cắt về thời thơ ấu, quê hương… để đẩy lên thành nhân vật trung tâm, điển hình thì chắc hẳn đây sẽ là một cuốn tiểu thuyết tư liệu hoàn chỉnh về mặt lịch sử và văn chương. Không biết liệu đây có phải là tham vọng quá lớn của độc giả không?
Không hiểu sao, khi đọc “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh tôi có cảm giác cuốn sách này như vận vào chính cuộc đời làm báo đầy thăng trầm của ông. Ông tái hiện một sự thật lớn lao của dân tộc mà không có bình luận phán quyết gì để tự cuốn sách phơi bày giá trị đích thực, cũng giống như quá khứ đã đi qua, ông không ngoái đầu nhìn lại để “ăn mày dĩ vẵng” hoặc thanh minh bào chữa… mà lặng lẽ làm những việc phải làm, đáng làm, để mọi người nhìn ông và tự tìm được câu trả lời cho riêng mình.
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tập hợp các tư liệu sống của một người lâm trận yêu nước. Cuốn sách là tư liệu sử nhưng không chép lại với ý đồ giáo huấn. Nó cũng không hàm ý về sự đắc thắng của kẻ chiến thắng như sự báo thù chữ nghĩa thông qua các tư liệu rất khó lòng bác bỏ. Nó quý vì không chứa các bình luận cá nhân. Nó phơi bày đương nhiên như lịch sử - cái đã xảy ra trong quá khứ. Một cuốn sách dày về nội dung và số trang. Rất đáng đọc. Vì... nó lộ sáng những câu chuyện gần như giai thoại về một chính quyền bị xé rách trong một tương phản đầy quy mô giữa thắng và bại. |