Quản lý hoạt động quảng cáo tấm lớn: Quá nhiều bất cập

Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 21/01/2015

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân, Hà Nội hiện còn gần 70 biển quảng cáo tấm lớn không phép, sai phép nhưng chưa được xử lý.


Đủ kiểu vi phạm


Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", việc chấn chỉnh biển hiệu, biển quảng cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa Thủ đô trong năm 2014 và 2015. Thế nhưng, thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội cho thấy, những tấm biển quảng cáo không phép, sai phép làm mất mỹ quan đô thị vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Ví dụ như trên địa bàn huyện Quốc Oai còn biển của Công ty Inocom Media, đặt ven Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận xã Yên Sơn, thực hiện quảng cáo "Golf Rort". Huyện Sóc Sơn còn biển của Công ty CP Quảng cáo Thủ đô, nội dung quảng cáo về Ngân hàng MB, tại ngã tư bên phải đường Thăng Long - Nội Bài và QL 2; biển quảng cáo Công ty Chè Kim Anh và một số biển tại khu vực Nhà ga T2 sân bay Nội Bài. Huyện Phú Xuyên còn 6 biển quảng cáo tấm lớn sai phép, không phép nằm ven đường Pháp Vân - Cầu Giẽ…

Quản lý chặt biển quảng cáo tấm lớn trên địa bàn Hà Nội là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Nhật Nam


Biển quảng cáo tấm lớn sai phép không chỉ có ở những nơi xa trung tâm, mà tồn tại ngay trong các quận nội thành. Đó là biển của Công ty Mặt Trời Vàng tại bãi đỗ xe Mai Dịch (Cầu Giấy) với nội dung tuyên truyền an toàn giao thông; 2 khung biển tại khuôn viên Nhà máy Nước Mai Dịch (Cầu Giấy) của Công ty CP Sunlogo. Quận Ba Đình còn 6 biển, đã tồn tại nhiều năm ở gần khu vực bãi đỗ xe Ngọc Khánh và một số vị trí khác, nay đã phát sinh thêm 3 biển mới. Quận Bắc Từ Liêm còn biển ở chân cầu Thăng Long (phường Xuân Đỉnh) của Công ty Quảng cáo Băng hình Hà Nội, quảng cáo cho thương hiệu Misubishi, từng bị xử phạt nhiều lần nhưng hiện vẫn tồn tại…

Bên cạnh những biển vi phạm bị "chỉ mặt, điểm tên", Hà Nội có không ít biển nằm dọc Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân - Cầu Giẽ…, thuộc dạng đúng quy định nhưng đang trong cảnh "ế khách", trơ khung hoặc được che bạt tạm thời, gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Mặt khác, trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ còn 7 điểm đã được quy hoạch làm quảng cáo tấm lớn nhưng nhiều năm nay chưa có doanh nghiệp nào thuê đất; trong khi đó, tuyến đường cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài vừa mới khánh thành đã có một số biển không phép mọc lên…

Sự tồn tại dai dẳng của số biển quảng cáo tấm lớn không phép, sai phép trong lúc hàng loạt điểm quảng cáo tấm lớn ế khách là một nghịch lý khó chấp nhận trên lộ trình xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở Hà Nội. Về điều này, ông Lê Sơn Hà, Phó Chánh thanh tra Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Theo quy định hiện hành, ngành văn hóa chỉ có trách nhiệm xử lý nội dung quảng cáo sai quy định, còn việc cấp phép xây dựng, xử lý biển sai vị trí, sai kích thước thuộc thẩm quyền của ngành xây dựng; việc xử lý đối với biển không phép thuộc trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn. Đáng nói hơn, mức phạt đối với biển không phép hoặc sai vị trí, kích thước rất cao (40-60 triệu đồng/biển/lần vi phạm), còn xử phạt vi phạm về nội dung quảng cáo chỉ từ 4-8 triệu đồng… "Nói cách khác, ngành văn hóa chỉ có thể xử lý phần ngọn, mức xử phạt quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe", ông Lê Sơn Hà nói.

Ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng VH-TT quận Ba Đình cho rằng, việc xử lý biển quảng cáo ngoài trời vi phạm tương tự như xây dựng nhà không phép, sai phép, chỉ cần làm đúng các thủ tục, quy trình là sẽ giải quyết được. Tiếc rằng, với thẩm quyền được giao, ngành văn hóa không thể giải quyết tận gốc vấn đề. "Muốn dứt điểm thì phải xử lý phần chân cột bởi thiếu chân cột thì các doanh nghiệp quảng cáo muốn lách luật cũng không thể thực hiện được. Quá trình xử lý cần có quy trình, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, đặc biệt là ngành xây dựng.

Sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý dễ khiến doanh nghiệp "nhờn luật". Chỉ tính năm 2014, số tiền phạt biển quảng cáo vi phạm trên địa bàn huyện Sóc Sơn lên tới hơn 300 triệu đồng nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào tự nguyện tháo dỡ; quận Ba Đình cũng tổ chức phạt và yêu cầu tháo dỡ các biển vi phạm nhiều lần nhưng kết quả vẫn là con số "không"…

Ngóng chờ quy hoạch

Không phải đến bây giờ Hà Nội mới chấn chỉnh tình trạng biển quảng cáo tấm lớn không phép, sai phép. Nhiều đợt "ra quân" đã được thực hiện nhưng chưa có đợt nào mang lại hiệu quả như mong muốn, chủ yếu do thiếu quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Trước đây, Hà Nội dự kiến ban hành "Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Theo đó, nhiều vị trí, nội dung của biển quảng cáo ngoài trời sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếc rằng đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện vẫn đang bị "treo", đơn vị tư vấn không đủ năng lực khiến Sở VH,TT&DL (đơn vị chủ trì xây dựng đề án) rơi vào "thế bí", các địa phương phải loay hoay xử lý những việc đã rồi và chưa biết "ứng xử" thế nào cho hợp lý đối với các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòngVH - TT huyện Phú Xuyên, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được mở rộng nên 16 biển nằm hai bên đường (thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên và Thường Tín) sẽ phải điều chỉnh vị trí. Tuy nhiên, vì chưa có quy hoạch nên huyện Phú Xuyên và Thường Tín chưa biết dịch chuyển vị trí các biển này tới đâu. Một số doanh nghiệp xin phép lắp dựng biển mới nhưng huyện cũng không thể giải quyết do phải chờ quy hoạch. "Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm hoàn thiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời để địa phương và các doanh nghiệp có căn cứ để thực hiện", ông Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Tô Văn Động khẳng định rằng, năm 2015, ngành văn hóa Thủ đô sẽ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời, tìm đơn vị tư vấn phù hợp để hoàn thiện quy hoạch quảng cáo. Với những nỗ lực đó, hy vọng những bất cập nói trên sẽ được giải quyết.

Minh Ngọc