Vấn đề không của riêng ai

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 21/01/2015

(HNM) - Trong bối cảnh Châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phức tạp và khó lường sau loạt vụ tấn công đẫm máu tại Pháp và một số âm mưu khủng bố bị triệt phá ở Bỉ và Đức, ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu EU đã nhóm họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để bàn thảo về

Nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu và thế giới tham gia tuần hành chống khủng bố sau các vụ tấn công kinh hoàng tại Pháp.



Nhiều nội dung đã được đề cập trong chương trình nghị sự bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới, thông qua luật đăng ký hành khách hàng không, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cuộc họp khác nhằm tìm ra những giải pháp chung, trong vấn đề chống khủng bố, giữa các nước thành viên EU còn không ít cách biệt cần phải khỏa lấp để tập hợp được sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến được cho là cam go nhất đối với Cựu lục địa trong thế kỷ XXI.

Trong thực tế, thách thức lớn nhất phải kể đến là Châu Âu không có đủ nguồn lực tình báo và quân sự để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan. Đó là chưa kể tới việc các cơ quan tình báo thích làm việc song phương, hơn là với cả 28 đối tác. Nhiều người cũng hoài nghi về hiệu quả của một cơ chế toàn Châu Âu như cơ quan Frontex. Đây là định chế đặc trách việc giám sát biên giới của Châu Âu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại đã tỏ ra không mấy hữu hiệu và hữu ích.

Trong khi đó, cuộc tấn công khủng bố tại Pháp vừa qua cho thấy các phần tử cực đoan Châu Âu ngày càng lớn mạnh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, do đó nguy hiểm và đáng sợ hơn. Giới chức tình báo cho rằng, Lục địa già đang đối mặt với hai nguồn khủng bố. Thứ nhất là những phần tử sau khi tham chiến ở Trung Đông trở về Châu Âu để lên kế hoạch tấn công. Thứ hai là các ổ nhóm cực đoan nội địa đang ẩn mình chờ thời. Nhận định này hoàn toàn có căn cứ khi thống kê gần đây cho thấy, có khoảng 20 nhóm cực đoan với khoảng 180-200 thành viên đang trốn ở Châu Âu và sẵn sàng gây bạo lực ở Pháp, Ðức, Bỉ và Hà Lan. Còn Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ước tính có tới 3.000 công dân Châu Âu đã đến Syria và Iraq tham gia nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các tổ chức cực đoan khác kể từ năm 2011. Trong số đó, gần 700 tên đã trở lại Châu Âu. Ðây là những “quả bom nổ chậm” đáng lo ngại đối với an ninh của Lục địa già. Vì thế, Giám đốc Cơ quan cảnh sát Châu Âu Rob Wainwright đã đưa ra cảnh báo, an ninh ở lục địa này đang trong giai đoạn phức tạp nhất kể từ sau vụ khủng bố nước Mỹ (11-9-2001).

Bên cạnh đó, hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố cũng phụ thuộc vào sự phối hợp toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gia Hồi giáo. Nhiều nhà phân tích cho rằng, những năm gần đây, làn sóng thay đổi chế độ ở Trung Đông và Bắc Phi được gọi là “Mùa xuân Arab” đã khiến an ninh tại nhiều nước Hồi giáo bị phá vỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức cực đoan phát triển với tốc độ chóng mặt, trong đó không thể không nhắc tới IS. Mặc dù Mỹ và EU đang dốc sức ngăn chặn sự mở rộng của các nhóm thánh chiến nhưng hạn chế về nguồn lực do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cùng với hậu quả từ sự sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan cũng tạo ra những hạn chế nhất định đối với nỗ lực chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Những vụ tấn công liên tiếp khiến 17 người tại Pháp thiệt mạng đã đưa các nước Châu Âu xích lại gần nhau vì một mục tiêu chung. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố không có nghĩa chỉ gói gọn trong một chiến dịch an ninh và không phải là trách nhiệm của một quốc gia đơn lẻ. Rõ ràng, chủ nghĩa cực đoan đang đặt ra cho Châu Âu và cả thế giới bài toán không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.

Quỳnh Dương