Sạch gia đình, nhà trường và xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 21/01/2015
Nhìn thoáng qua bề ngoài, học sinh ngày nay không khác bao nhiêu so với học sinh ngày xưa, hồn nhiên nô đùa, chạy nhảy và nhiều trò rất "học sinh"... Nhưng chỉ cần đi sâu một chút, có thể thấy nhiều hiện tượng rất đáng lo ngại: Trốn học, chép bài, gian lận trong thi cử bằng những phương pháp ngày càng tinh vi, trộm cắp, xin đểu, đánh nhau, vô lễ, thậm chí hành hung các thầy cô giáo. Lớn thêm một chút, tuổi sinh viên thì yêu đương, sống thử, nghiện hút, bỏ học… Trong lối sống, hình như học sinh ngày nay sống già hơn, nhiều em sớm tôn thờ lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền. Tuy tỷ lệ không lớn nhưng với 22 triệu học sinh, sinh viên con số rơi vào các biểu hiện vi phạm đạo đức nêu trên không phải là nhỏ.
Đi tìm nguyên nhân, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định: Có lỗi của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó phần lớn là lỗi ở mục tiêu giáo dục và xã hội vì nhà trường hay gia đình đều là một bộ phận của xã hội, không tách rời. Nói một cách khác, lỗi ở mục đích giáo dục và môi trường giáo dục.
Có người nghi ngờ phương châm lấy học sinh là trung tâm như hiện nay. Nhà trường là nơi đào tạo, trang bị kiến thức cho thế hệ kế tiếp, là bộ máy cái từ đó sản xuất ra các sản phẩm của xã hội, tức là những con người. Do vậy, nhân vật trung tâm của nhà trường và cả hệ thống giáo dục là những người làm giáo dục, học sinh chỉ là nguyên liệu. Nhà trường tốt cho ra đời những lớp người tốt và ngược lại. Tất nhiên, những người làm công tác giáo dục cũng là những con người, có tốt có xấu, phải chăm lo đời sống và đạo đức cho họ để họ gương mẫu, mô phạm, tất cả vì học sinh thân yêu, hướng đến tôn trọng phẩm giá và nhân cách học sinh, tôn trọng quyền con người. Quan niệm này đang bị phá vỡ nên trong nhà trường hiện nay, mục tiêu rèn luyện đạo đức ở nhiều nơi đang bị buông lỏng, thầy cô giáo là nhân vật phụ, là người phục vụ, trò không tôn kính và biết ơn thầy, các thói xấu tự do nảy nở. Với lớp trẻ chưa có kinh nghiệm sống, chưa được rèn luyện để tăng sức đề kháng của nhân cách, các thói xấu được tự do nảy nở thì đạo đức xuống cấp là điều khó tránh.
Về xã hội, gia đình và nhà trường đều là xã hội, là môi trường giáo dục. Thời gian các em sống trong gia đình nhiều hơn thời gian sống ở nhà trường. Nhà trường có nơi đang lơi lỏng rèn luyện nhân cách cho học sinh, trong khi đó gia đình chưa thật sự là tấm gương mẫu mực cho các em. Những tư tưởng và lối sống sai lệch thực dụng, tôn sùng đồng tiền, ích kỷ, phai nhạt lý tưởng… phần nhiều các em tiếp thu từ người lớn, trong gia đình là chính, nhà trường và cả xã hội là nguồn bổ sung, kiểm nghiệm. Muốn giáo dục đạo đức cho học sinh có hiệu quả, trước hết cần làm cho nhà trường, gia đình và xã hội trong sạch, không xuống cấp đạo đức. Nếu việc đó quá lớn và cần lâu dài thì làm từng phần, đến đâu mang hiệu quả đến đấy.