Tổng thống Mỹ muốn tăng thuế nhà giàu

Thế giới - Ngày đăng : 12:48, 20/01/2015

Tối nay 20-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama sẽ đọc thông điệp liên bang 2015 trước quốc hội. Một số chính sách cải cách mới khá táo bạo và gây tranh cãi sẽ được công bố.

Giới truyền thông bình luận việc tổng thống lựa chọn phát biểu trực tiếp tại trụ sở quốc hội ở Washington, trước nghị sĩ hai viện, trước các bộ trưởng cũng như các thành viên Tòa án tối cao là cách ông muốn đương đầu trong tình hình quốc hội đang bị Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Tổng thống Obama (giữa) trò chuyện với người dân Mỹ tại một quán cà phê ở Baltimore về đề xuất nghỉ bệnh vẫn được trả lương ngày 15-1 - Ảnh: Reuters


Thông điệp liên bang phát đi lúc 9g tối (9g sáng 21-1, giờ VN) vì thế được xem là cách ông Obama “chủ động tấn công”. Ông Dan Pfeiffer - cố vấn cao cấp của tổng thống Mỹ về chiến lược và truyền thông - tiết lộ với Đài NBC chủ đề chính của thông điệp liên bang năm nay là “Nền kinh tế tầng lớp trung lưu” - một cách để Tổng thống Obama lấy lòng số đông.

Lấy bớt tài sản người giàu

Những ngày vừa qua, một số kế hoạch chính của ông Obama đã được tiết lộ gồm: giảm lãi suất bảo hiểm thế chấp, miễn học phí hai năm học trường cao đẳng cộng đồng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, chính sách mới về nghỉ việc bảy ngày có trả lương... và một điểm quan trọng cũng như gây tranh cãi nhiều nhất: tăng mức đánh thuế người giàu.

Kế hoạch này được Nhà Trắng tung ra thăm dò từ hôm 17-1. Mục đích của chính sách này là tăng thuế đối với tầng lớp có thu nhập cao nhất để bù vào mức giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Cụ thể, chính quyền ông Obama muốn tăng thuế thu nhập lên tối đa 28% đối với các gia đình có thu nhập cao.

Nhà Trắng giải thích: “Hiện 400 người giàu nhất nước Mỹ chỉ đóng thuế trung bình 17% trong năm 2012, tức còn thấp hơn cả các gia đình trung lưu”. Giờ đây mục tiêu của Nhà Trắng là nhắm vào số 0,1% những người giàu nhất nước Mỹ, có thu nhập trung bình trên 2 triệu USD/năm. Theo tính toán của Washington, giải pháp đánh thuế mới sẽ đem lại cho ngân sách khoảng 320 tỉ USD trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, lộ trình cải cách của ông Obama còn bao gồm: tăng thuế đầu tư, ngưng chế độ miễn thuế những phần nhận thừa kế, giảm thuế cho các gia đình lao động, duy trì giảm thuế cho gia đình có con nhỏ... Tổng thống Obama cũng sẽ đề xuất áp thuế mới lên khoảng 100 ngân hàng lớn nhất của Mỹ (có trị giá tài sản hơn 50 tỉ USD) với mục tiêu giảm rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.

Đã nổ ra tranh cãi

Dù phủ tổng thống và phe Cộng hòa đã tuyên bố họ sẽ tìm kiếm quan điểm chung để thỏa hiệp, nhưng một số đề xuất sắp tới của ông Obama được đánh giá khó lòng qua cửa quốc hội trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Ông Obama sẽ còn thông báo nội dung cụ thể và giải thích quan điểm của mình trước quốc hội, nhưng lập tức các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã “điên tiết” với vụ tăng thuế.

“Tăng thuế đối với người giàu không làm cho những người đang chật vật trở nên thành đạt hơn. Điều đó sẽ phản tác dụng” - thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio chỉ trích kế hoạch của ông Obama trên Đài CBS. Còn nghị sĩ Jason Chaffetz gọi đó là một kế hoạch “phi thực tế”. Ông thậm chí cạnh khóe rằng các quan chức nên “ngưng xài số tiền mà trong túi không có thì hơn”.

Ông Dan Pfeiffer cũng tham gia trận khẩu chiến trên truyền hình hôm chủ nhật 18-1. Ông Pfeiffer tuyên bố đây là một nỗ lực nhằm kích thích hơn nữa sự phục hồi của nền kinh tế. Ông Pfeiffer lý giải cách “đơn giản” để có thể giải quyết chuyện này là yêu cầu người giàu “trả thêm một ít” và “đầu tư hơn vào tầng lớp trung lưu”.

Bản kế hoạch của ông Obama cũng nhận được sự ủng hộ từ các đảng viên Dân chủ hàng đầu. “Rõ ràng Tổng thống Obama và các đảng viên Dân chủ đang tập trung giảm bớt những khó khăn cho tầng lớp trung lưu. Tôi thấy hài lòng là một vài điểm của đề xuất trùng hợp với những gì tôi vạch ra gần đây” - ông Chris Van Hollen, nghị sĩ Dân chủ thuộc Ủy ban Ngân sách Quốc hội Mỹ, bênh vực tổng thống.

Còn nghị sĩ Sander Levin tán dương những đề xuất của ông Obama là “tập trung vào những gì chúng ta cần: tạo cơ hội cho các gia đình trung lưu và những ai đang cố vươn lên tầng lớp này”.

Đài CNN bình luận hiện chưa thấy có động thái nào từ phe Cộng hòa tỏ ra sẽ đồng ý với các đề xuất của Nhà Trắng. Chỉ trừ một số lĩnh vực như dự luật mới về an ninh mạng được cả hai phe nhất trí, hầu hết các kế hoạch táo bạo khác của ông Obama dự báo sẽ bị Đảng Cộng hòa ngăn chặn.

Đưa thông điệp lên mạng xã hội

Đọc thông điệp liên bang là truyền thống một thế kỷ của nước Mỹ. Tổng thống nhân dịp này sẽ trình bày nghị trình năm sắp tới và tổng kết năm vừa qua trước quốc hội và toàn dân. Khác với những năm trước, suốt hai tuần nay nội dung thông điệp liên bang cùng những kế hoạch cải cách của ông Obama đã được Nhà Trắng tung lên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, LinkedIn...

Theo kế hoạch, sau khi đọc xong bài diễn văn chính, ông Obama sẽ có một cuộc trò chuyện với các “ngôi sao” YouTube để nhấn mạnh về thông điệp của mình. Họ bao gồm một chuyên gia tư vấn giới trẻ, một người chuyên viết video blog và một nghệ sĩ hài.

Năm nay là một năm đặc biệt, Nhà Trắng tin rằng cách làm này thích hợp với kỷ nguyên mạng xã hội và gần gũi giới trẻ cũng như bất cứ ai sử dụng thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến bảo thủ cho rằng nó khiến thông điệp mất đi tính trang trọng.

Nhà sử học tổng thống Allan Lichtman đưa ra quan điểm bảo vệ: “Truyền thông xã hội đang giết chết thông điệp liên bang và Nhà Trắng chỉ tận dụng ưu thế của công nghệ để giữ cho nó sức sống”.

Theo Minh Trung