Du lịch “phượt” - trào lưu của giới trẻ hiện nay

Du lịch - Ngày đăng : 10:56, 20/01/2015

(HNMO) - Thích khám phá, thể hiện bản thân, lưu lại những kỉ niệm đẹp với bạn bè… “Phượt” hay còn được gọi là du lịch bụi đang là trào lưu của giới trẻ hiện nay, nhất là các bạn sinh viên, cho dù mỗi chuyến đi luôn rình rập những nguy hiểm.

Mấy năm gần đây, trào lưu “Phượt” đã lan rộng và trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên nói riêng và giới trẻ thế giới nói chung. “Phượt” cuốn hút sinh viên bởi đây là một hình thức du lịch khám phá mạo hiểm, nhiều cảm giác mạnh. Ngoài ra, người đi “phượt” còn có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm những vùng đất mới, những phong tục mới, những con người mới đầy thú vị trên chính mảnh đất quê hương mình cũng như các nước trên thế giới.

Vì thế, “Phượt” mang trong mình một ý nghĩa rất tích cực và mới mẻ. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người hiểu sai lệch về “phượt”, trào lưu “phượt” rầm rộ hiện nay có dấu hiệu của một sự khủng hoảng, rất đáng báo động của lớp trẻ. Cần phải có một cái nhìn tổng quát, chân thực, khách quan về trào lưu này.

Sở thích khám phá trên những chặng đường

Là người con đất Việt, chúng ta luôn tự hào về cảnh đẹp của quê hương. Thật vậy, đất nước Việt Nam chúng ta “rừng vàng biển bạc”, non sông kỳ thú, từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi hay miền xuôi đến miền ngược…đâu cũng là địa điểm dừng chân lý tưởng cho dân phượt khám phá. Địa điểm phượt cũng rất đa dạng, nhưng nổi tiếng là vùng Tây Bắc với Hà Giang, Bắc Hà (Lào Cai), Lai Châu… hay Mai Châu (Hòa Bình) Tây Nguyên, Cần Thơ, Kiên Giang…

Là người từng rong ruổi trên nhiều cung đường Tây Bắc trong những chuyến phượt, Phùng Phú Đô (sinh viên năm thứ cuối của HV Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: ““Phượt” luôn luôn hấp dẫn đối với tôi ở sự khám phá và vẻ đẹp ở mỗi chuyến đi. Mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá những vùng đất mới, những con người mới mà tôi chỉ biết qua sách vở, chưa từng được trải nghiệm thực tế. Chuyến đi phượt đầu tiên của tôi chính là đi Thủy điện Hòa Bình cùng bạn bè trong nhóm”.

Chuyến đi phượt thủy điện Hòa Bình của Đô và các bạn trong nhóm.


Nguy hiểm thường trực

Những địa điểm nổi tiếng hiện nay như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang)… là điểm đến của dân phượt sinh viên. Tuy nhiên, những chuyến đi luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm bởi địa hình hiểm trở. Cộng đồng phượt đã rất đau lòng trước thông tin sinh viên Thu Hiền (ĐH Thương mại Hà Nội) đã qua đời vì một tai nạn giao thông tối 6/12/2013 tại quốc lộ 6, đoạn gần đèo Thung Khe (Hòa Bình) khi đi xe máy cùng nhóm phượt gồm 60 người lên Mộc Châu. Trước đó, nhiều trường hợp sinh viên gặp tai nạn, thậm chí mất tích trong những chuyến phượt đã xảy ra.

Theo kinh nghiệm của chính bản thân đã từng trải qua, thì việc đi “phượt” lên Sơn La, Điện Biên, Lai Châu dễ gặp nguy hiểm, nhất là đi lúc trời tối, có những nơi núi cao nhiều sương mù, cách 1m cũng không thấy đường, phải lần mò từ từ mà đi, rồi chuyện hỏng xe giữa vùng núi nữa, rất gian khổ. Đây là những cung đường phượt rất nguy hiểm đòi hỏi mọi người cần phải có kinh nghiệm và phải giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để không bị thất lạc.

Có thể nói những cung đường gần sát biên giới thường hấp dẫn dân “phượt” bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều loại “bẫy” rất tinh vi. Những khu vực biên giới nóng về buôn bán hàng cấm như vũ khí, ma túy, dân phượt có thể bị lợi dụng khi bị nhét hàng cấm vào tư trang hành lý; có trường hợp dân buôn hàng cấm trà trộn vào các nhóm phượt lợi dụng bạn đồng hành để vận chuyển hàng cấm. Nếu dân phượt không cảnh giác, rất dễ rơi vào cảnh “tình ngay lý gian”.

Trở về sau những chuyến “phượt” dài

Đi đến những nơi xa, không khí trong lành, không ồn áo, náo nhiệt là cảm giác thích thú nhất của các tay “phượt thủ” khi tổ chức cho đoàn đi.

Bên cạnh đó, song song với “phượt”, cộng đồng phượt đã kết hợp làm từ thiện, quyên góp sách vở cũ, quần áo… cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khi họ đi đến những vùng núi xa xôi héo lánh. Như vậy ngoài việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân thì đó còn là một hành động mang tính cộng đồng. Chia sẻ đã không hề làm cho chúng ta nghèo đi, mà ngược lại, nó làm giàu hơn kiến thức và cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày qua từng chuyến đi.

Chuyện đi phượt của sinh viên đã trở thành một trào lưu, không ít nhà trường phải “đau đầu” vì không thể cấm, còn gia đình dù không muốn nhưng cũng khó quản… Ham khám phá, muốn thể hiện bản thân nhưng không nắm vững kiến thức, thiếu kinh nghiệm đi phượt nên một số tay phượt trẻ đang “đánh đu” với tính mạng trên những cung đường đẹp nhưng luôn rình rập nguy hiểm.

Để phát triển theo hướng tích cực trào lưu này của giới trẻ, thiết nghĩ cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về trào lưu này bằng cách quảng bá rộng rãi, làm cho mọi người hiểu đúng về “phượt”. Những tờ báo dành cho giới trẻ như Tiền Phong, Sinh viên Việt Nam, Tuổi trẻ… hay các kênh truyền hình như VTV6, VCTV… nên có những bài báo, chương trình về trào lưu này và định hướng cho những hoạt động tích cực trong mỗi chuyến đi phượt.

Những bạn trẻ tự đặt chân mình vào mọi thách thức để tìm thấy sự thỏa mãn và trải nghiệm lớn lao thật đáng cổ vũ. Hãy lựa chọn cách sống thật đúng đắn; hãy cứ say mê và háo hức sống, bởi với chúng ta cả thế giới này là nhà và cuộc đời là những chuyến đi.

Loan Vũ