Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu bức thiết
Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 20/01/2015
Đảng coi đổi mới, chỉnh đốn Đảng là công việc của chính mình, không đùn đẩy cho người khác, cũng không đợi ai thúc ép mới làm. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn không phải vì lợi ích riêng của Đảng mà là vì lợi ích chung của sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), Người khẳng định: "Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để". Tiếp đó, trong Di chúc để lại (năm 1969), Người căn dặn toàn Đảng: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: "Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo".
Chỉnh đốn Đảng, một mặt khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Đảng muốn giữ được vai trò lãnh đạo, được dân tin, dân phục, dân yêu thì một vấn đề căn bản là, trong Đảng "từ TƯ tới các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Để thể hiện quyết tâm này, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Muốn làm cách mạng giành chính quyền, cần có nhiều yếu tố, song nhân tố quan trọng quyết định nhất là phải có Đảng chân chính của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động. Đặc biệt, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng phải coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là việc trước tiên, việc chính, việc cần kíp, việc phải làm ngay.
Với ý nghĩa như vậy, từ Đại hội VI đến Đại hội XI, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động lớn như, cuộc vận động "Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Tiếp đến là cuộc vận động "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình" theo Nghị quyết Hội nghị TƯ 6 (lần 2) khóa VIII. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X). Đến Đại hội XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Những cuộc vận động, chỉ thị, nghị quyết nêu trên tuy được tiến hành vào những thời điểm khác nhau, nhưng yêu cầu chủ yếu vẫn tập trung vào một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt về chính trị tư tưởng, về phẩm chất, đạo đức lối sống và về tác phong lãnh đạo, công tác của cán bộ, đảng viên. Những chủ trương, nghị quyết này góp phần làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Đảng đã giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục thu được những kết quả trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn yếu kém mà Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra: "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những khuyết điểm yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ".
Chỉ rõ hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, định hướng cho toàn Đảng hành động, quyết tâm tự đổi mới, tự chỉnh đốn bằng thái độ nghiêm túc, thực hiện 4 nhóm giải pháp đồng bộ nêu trong Nghị quyết TƯ 4, gần ba năm qua, các cấp ủy và tổ chức Đảng từ TƯ đến cơ sở đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Điều đó được thể hiện, cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng; thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Ở TƯ đã xây dựng một loạt cơ chế, chính sách, quy chế, quy định nhằm phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa, hạn chế những mặt xấu, tiêu cực. Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; ban hành quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Nhiều địa phương đã rà soát, điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm triển khai; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm... Những chuyển biến trên đã góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước.
Tuy vậy, đây mới là kết quả bước đầu, thực tiễn đòi hỏi cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa của toàn Đảng. Quyết tâm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XI): "Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".