Gần đời sống, tính giáo dục cao

Văn hóa - Ngày đăng : 06:29, 20/01/2015

(HNM) - Hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về

Một cảnh trong vở “Những chấn động còn lại”.



Sự kết hợp của Xuân Đức và Nhà hát Kịch Việt Nam lần này khiến người xem liên tưởng đến "Tai biến" - vở diễn mà họ cùng bắt tay thực hiện cách đây gần 2 năm, với đề tài bám sát tình hình thời sự, được đánh giá là tác phẩm chất lượng của sân khấu kịch phía Bắc. Viết "Tai biến", tác giả Xuân Đức đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự, như hệ lụy của sự tàn phá tài nguyên, vạch trần một vụ án oan sai nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Những hệ lụy xấu có liên quan đến thái độ trách nhiệm của một số cán bộ trong bộ máy chính quyền… Truyện kịch mang hơi thở thời cuộc, những hành vi gây cản trở quá trình phát triển của đất nước cuối cùng đã bị đưa ra ánh sáng, để lại bài học sâu sắc trong lòng người xem. Ngòi bút của Xuân Đức, qua "Tai biến", nói không quá, đã tạo "thương hiệu" cho ông. Như sau khi đọc một cuốn sách hay người ta sẽ tìm đọc thêm nhiều cuốn khác cùng người viết, thành công của "Tai biến" khiến khán giả khao khát gặp lại những câu chuyện, những nhân vật của Xuân Đức.

"Những chấn động còn lại" đáp ứng được sự mong chờ nói trên. Hơn nữa, vở diễn được dàn dựng dưới bàn tay lão luyện của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, chắc chắn là đáng xem. Điều dễ thấy trong "Những chấn động còn lại" là đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã dành hẳn một khoảng sân rộng cho những người trẻ kể lại câu chuyện chìm lắng từ 20 năm trước nay chẳng ai muốn khơi lại, cả người bị oan rồi được minh oan và cả người trực tiếp, gián tiếp "nhúng tay" vào sự oan sai; tất cả nghĩ rằng: "Đằng nào chuyện cũng xảy ra rồi, hãy để yên, đừng nói ra, để lớp trẻ yên tâm công tác". Nhưng những người trẻ quyết tâm đi tìm sự thật bởi họ nghĩ rằng sự sai đi qua nhưng vẫn để lại hệ lụy, như động đất thể nào cũng kéo theo dư chấn, nên cần phải được giải quyết triệt để. Những nút thắt lớn nhỏ, cao trào dần được "cởi" một cách thuyết phục, tình - lý đủ đầy nhờ khả năng diễn xuất của những diễn viên trẻ, như Trịnh Nhật (vai Trang), Dũng Nam (Mai Tường), Lưu Hoàng (Đạt), Phương Nam (Mây). Đạo diễn đưa các lớp nhân vật cùng lên sân khấu, đứng trên những khối bục xếp tầng, cảnh nào cũng có sự tham gia của diễn viên trẻ. Xét về diễn xuất, ngoài những vai đạt như Trần Vĩ của Việt Thắng, ông Bính của Phú Đôn, Mai Thức của Hồng Quang thì đây là vở diễn nổi bật của NSƯT Quốc Khánh (vai Mai Liêm) và Xuân Bắc (vai Tốn). Quốc Khánh lão luyện, tinh tế, thể hiện hình ảnh một ông "cốp" đã về hưu mà vẫn có thể "giật dây" một vài kẻ thoái hóa trong bộ máy công quyền. Còn Xuân Bắc, diễn vai phản diện mà không cần lên gân; lời thoại và lối diễn xuất chừng mực pha chút hài hước, đủ để đem lại sự thoải mái cho một vở diễn có quá nhiều tình huống căng thẳng.

Một vài lòng vòng trong thoại của nhân vật đôi khi khiến người xem có cảm giác rối. Trang phục không nổi bật, có lẽ dụng ý của đạo diễn là muốn khán giả tập trung vào nội dung. Còn lại, tất cả cho thấy "Những chấn động còn lại" là vở diễn xứng danh Nhà hát Kịch Việt Nam - "Anh cả đỏ" của làng kịch nói phía Bắc, nhất là về mảng đề tài chính luận hiện đại.

An Nhi