Siết chặt nhưng không làm khó doanh nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 20/01/2015

(HNM) - Năm 2015, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì nhất định phải kiểm soát được tải trọng xe, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải.

Đó là những nội dung được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội ngày 19-1.

"Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ GTVT. Đây cũng là chủ đề chính trong các chiến lược và kế hoạch hành động của toàn ngành nhằm thực hiện "Năm an toàn giao thông 2014". Bởi lẽ, dù có đầu tư bao nhiêu nghìn tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đi nữa nhưng nếu không làm tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, từng bước hạn chế xe quá tải thì các công trình cầu đường sẽ tiếp tục bị phá hủy, gây lãng phí và mất ATGT.

Kiểm soát tải trọng xe, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải sẽ được ngành GTVT đẩy mạnh trong năm 2015. Ảnh: Hạnh Uyên


Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhằm thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe, Tổng cục đã thành lập 9 đoàn thanh tra, kiểm tra việc cơi nới thùng hàng tại các địa phương; tăng cường kiểm soát quá tải tại các nguồn kho, cảng, nhà máy lớn, các công trình xây dựng; chỉ đạo các Ban QLDA có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn xe chở vật liệu xây dựng quá tải trọng; phối hợp với 63 địa phương ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép khi tham gia giao thông với trên 3.000 đơn vị đầu mối hàng hóa, kho hàng, các đơn vị sản xuất và cung ứng xi măng, vật liệu xây dựng, chủ mỏ… Thống kê cho thấy, từ ngày 1-4 đến 31-12-2014, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra trên 412.200 lượt xe, phát hiện và xử lý gần 60.000 phương tiện vi phạm quá tải trọng, hạ tải trên 23.000 xe với hơn 120.000 tấn hàng và xử phạt 227 tỷ đồng.

Chủ trương này đã đem lại hiệu quả tích cực. Tình trạng xe quá tải trên các tuyến đường đã giảm đáng kể. Theo ghi nhận của các lực lượng chức năng, riêng tại Thanh Hóa, toàn tỉnh có 400 xe chở hàng Howo (xe quá tải trọng). Sau một thời gian xử lý nghiêm, hiện chỉ còn hơn 20 xe. Tương tự, tại tỉnh Nghệ An, vào thời điểm chưa kiểm soát tải trọng xe, toàn tỉnh có đến 9.000 xe tải tự đổ, trong đó 300 xe Howo. Song, đến nay chỉ còn vài ba xe Howo, chủ yếu chạy trên những cung đường vùng núi, vùng xa.

Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vẫn sẽ là chủ đề của Năm an toàn giao thông 2015. Những kết quả của năm 2014 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo thừa nhận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng xe chở quá tải dù đã giảm sâu trong năm 2014 nhưng chưa bền vững. Hiện, xe quá tải vẫn hoạt động ở một số tuyến đường khi vắng bóng lực lượng chức năng. Trong xử lý xe quá tải, vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa thực sự vào cuộc, chưa thấy hết được trách nhiệm của mình. Một số địa phương cho biết, vẫn còn tình trạng xe quá tải chạy từ các địa phương khác về tỉnh mình...

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Mỗi năm, chúng ta bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng, do vậy, cần phát huy tốt nhất khả năng khai thác của các tuyến giao thông mới đầu tư. Làm được vậy việc đóng thuế của người dân mới có ý nghĩa. Năm 2014, Bộ GTVT đưa ra việc siết chặt quản lý vận tải được đông đảo doanh nghiệp vận tải chân chính và người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cần xác định siết chặt quản lý chứ không phải gây khó cho doanh nghiệp. Kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng, xe quá tải không còn nghênh ngang trên các tuyến đường. Thế nhưng vẫn còn tình trạng bắt tay với cò vượt trạm cân, chống đối công an… Nếu thỏa mãn với kết quả đạt được là rất nguy hiểm. Sang năm 2015, tôi đề nghị hai Bộ GTVT, Công an phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra xử lý và xử phạt đủ sức răn đe.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:

Việc kiểm soát, chấm dứt xe quá tải sẽ làm được nếu các địa phương vào cuộc quyết liệt. Bộ GTVT yêu cầu thiết lập thêm số điện thoại di động "nóng" của Chánh Thanh tra Sở GTVT và Trưởng phòng CSGT để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn; Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có biện pháp xử lý các Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ nếu không nắm được tình trạng xe quá tải tại các địa phương, tuyến đường quản lý; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chống tiêu cực trong lực lượng thanh tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, không dung túng, bao che.

Tuấn Lương