Thủ tướng Nhật Bản thăm Bắc Phi - Trung Đông: Thêm động lực cho “mũi tên thứ ba”

Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 20/01/2015

(HNM) - Sáu ngày cho 4 điểm đến, chuyến công du Ai Cập, Jordan, Israel và Palestine của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 16 đến 21-1 đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đây là chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng S.Abe tới Ai Cập kể từ khi nhậm chức và ông cũng là vị



Với quyết tâm không thể chậm trễ hơn so với các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng, sự hiện diện của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc tại vùng đất quan trọng này ngay trong những ngày đầu năm mới đã phản ánh rõ chiến lược ngoại giao của Tokyo. Năm 2014, Thủ tướng S.Abe cũng chọn 4 quốc gia Châu Phi - Trung Đông làm điểm "xuất ngoại" đầu tiên trong năm mới. Điều đó cho thấy hợp tác Nhật Bản với khu vực giàu tài nguyên này không chỉ là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng S.Abe mà còn là những điểm đến hứa hẹn với các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang khát năng lượng.

Trên tinh thần đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Abdel-Fattah El-Sisi ở thủ đô Cairo, Thủ tướng S.Abe đã cam kết cung cấp cho quốc gia Bắc Phi này khoản tín dụng trị giá khoảng 360 triệu USD để triển khai các dự án xây dựng sân bay và mạng lưới điện. Các khoản vay bằng đồng yen này sẽ được dùng để tài trợ một số dự án như mở rộng sân bay quốc tế Borg El Arab nằm gần Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập. Như một minh chứng cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Tổng thống A.El-Sisi đã mời Thủ tướng S.Abe và đại diện hơn 30 công ty Nhật Bản tham gia Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Ai Cập dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 15-3 tới tại khu nghỉ dưỡng Sharm Al-Sheikh bên bờ Biển Đỏ.

Nhằm thể hiện sự sát cánh với các đồng minh - đặc biệt các quốc gia Bắc Phi - Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố - khi ở thăm Ai Cập, Thủ tướng S.Abe đã đưa ra cam kết viện trợ 2,5 tỷ USD cho các nước ở Trung Đông bị ảnh hưởng bởi làn sóng bạo lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là khoản viện trợ phi quân sự giúp các nước Trung Đông tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo và phát triển cơ sở hạ tầng. Không những thế, Thủ tướng S.Abe còn cam kết trợ giúp 200 triệu USD cho những nước đang phải chiến đấu chống lại IS để giúp các nước này xây dựng nguồn nhân lực. Theo nhận định của Thủ tướng S.Abe, thế giới sẽ phải hứng chịu "tổn thất khôn lường" nếu hoạt động khủng bố lan rộng ở Trung Đông. Vì thế, phần lớn số tiền trong hai khoản viện trợ trên được Nhật Bản dành ưu tiên cho những nước đang phải tiếp nhận làn sóng tị nạn ngày càng dài từ Iraq và Syria, nơi phiến quân IS đang mở rộng hoạt động và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn.

Đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố cũng là trọng tâm ưu tiên tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng S.Abe với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem. Chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới Israel trong 9 năm qua diễn ra trong bối cảnh nội các Israel vừa thông qua một kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ vận tải và cơ sở hạ tầng. Kế hoạch trên đặt mục tiêu tăng 45% du khách Nhật Bản tới Israel vào năm 2017 và đến năm 2020 tăng 50% hàng hóa Nhật Bản nhập khẩu vào Israel lên mức 1,1 tỷ USD/năm; đồng thời mở một văn phòng thương mại tại Osaka, trung tâm thương mại phía tây Nhật Bản. Vì thế, điểm nhấn trong cuộc hội đàm được hai thủ tướng nhất trí là sẽ khởi động các cuộc đàm phán sơ bộ nhằm đạt một hiệp định đầu tư để thúc đẩy các trao đổi kinh tế song phương, bởi đây là cơ hội lịch sử để kết nối các tiềm năng lớn của nhân dân hai nước.

Với một đoàn tùy tùng gồm 100 quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp, chuyến công du Bắc Phi - Trung Đông của Thủ tướng S.Abe không chỉ mang theo những khoản viện trợ mà còn tạo thêm cơ hội để hiện thực hóa quyết tâm mở rộng vị thế tại khu vực này. Với những cam kết được đưa ra, Thủ tướng S.Abe chứng tỏ sự sẵn sàng trong việc tiếp thêm động lực mới cho "mũi tên thứ ba" trong gói chính sách kinh tế mang tên Abenomics khi đẩy mạnh triển khai một đường lối ngoại giao toàn diện.

Đình Hiệp