Hậu giám sát của Quốc hội phải có hiệu lực, hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 21:14, 19/01/2015
Chiều 19/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là dự án Luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội soạn thảo và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2015.
Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm |
Lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là giám sát tối cao của Quốc hội, cũng như hiệu lực, hiệu quả, các chế tài kèm theo sau giám sát.
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo Luật đã được thể hiện theo hướng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đều là hoạt động giám sát của Quốc hội nhưng không đưa hết nội dung các quy định này vào Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị luật hóa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được thể hiện trong Nghị quyết số 85/2014/QH13 vào dự thảo Luật để thể hiện cho thống nhất.
Về quy định Quốc hội xem xét báo cáo của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, theo ông Phan Trung Lý hiện còn có một số ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, quy định theo hướng liệt kê đầy đủ, rõ ràng các loại báo cáo được Quốc hội xem xét, trong đó, ngoài các báo cáo công tác hàng năm và nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước thì còn có các loại báo cáo khác như: Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo ông Phan Trung Lý, quy định như vậy sẽ tạo cơ sở để làm rõ trình tự, thủ tục, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xem xét báo cáo, khắc phục hạn chế hiện nay trong triển khai hoạt động này. Tuy nhiên, quy định cụ thể các loại báo cáo có thể dẫn tới việc liệt kê không đầy đủ các báo cáo mà Quốc hội có thẩm quyền xem xét. Bởi vì, ngoài Luật tổ chức Quốc hội thì các luật khác cũng có nhiều quy định về việc Quốc hội xem xét báo cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Mặt khác, đối với một số loại báo cáo rất khó xác định thuộc lĩnh vực giám sát hay thuộc lĩnh vực quyết định vấn đề quan trọng của đất nước như báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ quy định về việc Quốc hội xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Bởi vì hoạt động này thể hiện rõ nét chức năng của Quốc hội trong việc giám sát đối với các cơ quan nhà nước ở trung ương, đặc biệt là các cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Việc xem xét các báo cáo khác không thuộc lĩnh vực giám sát và sẽ được quy định trong các văn bản luật khác của Quốc hội.
Hiệu lực giám sát không bằng thanh tra?
Cho rằng vẫn còn có ý kiến cho rằng còn hình thức trong quá trình giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đặt vấn đề: "Luật này khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát của Quốc hội, và HĐND như thế nào"? Theo ông Ksor Phước, hậu giám sát phải có hiệu lực đàng hoàng, làm cho cơ quan bị giám sát phải lắng nghe nếu không sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý. "Khi giám sát tối cao tại Quốc hội mà thấy vấn đề thì có thể thành lập Ủy ban độc lập để điều tra" - ông Phước kiến nghị.
Dẫn chứng việc Hiến pháp quy định Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan nhà nước, HĐND giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị: "Luật này cần làm rõ giám sát tối cao là gì và khác với giám sát khác về phạm vi, đối tượng, hiệu lực như thế nào? Tính chất giám sát tối cao cần phải làm rõ. Hoạt động của nhà nước được biểu hiện là hoạt động gì, cơ quan Nhà nước nào thực hiện, có bao gồm hành vi của cá nhân cán bộ, viên chức, công chức của Nhà nước hay không?”
Để giám sát đi vào thực chất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của giám sát, cần bổ sung hậu quả pháp lý khi qua giám sát nhưng lại không được thực hiện nghiêm túc.
"Khái niệm về giám sát chưa đầy đủ. Chỉ theo dõi, xem xét, đánh giá… thì lấy gì làm hiệu lực, hiệu quả? Thực tế có phải hiệu lực giám sát (trừ giám sát tối cao) không bằng thanh tra không? Vì sau khi kết luận giám sát thì chậm thực hiện nhưng không bị xử lý, còn kết luận thanh tra chậm thực hiện là bị xử lý ngay" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật chỉ mới liệt kê các hình thức giám sát và còn để trống rất nhiều quy định để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị nghiên cứu sâu để có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, bởi “ở các nước sau khi có kiến nghị giám sát mà không sớm giải quyết là sẽ có vấn đề, nhưng chúng ta cứ bình bình”.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Giám sát của ĐBQH, các đoàn ĐBQH, các Ủy ban của Quốc hội, giám sát Quốc hội thì cuối cùng kiến nghị đi đến đâu? Muốn làm tốt phải sửa Luật giám sát, phải phân biệt rõ giám sát của Quốc hội với Mặt trận, cơ quan dân cử, và HĐND. Tuy nhiên, qua tổng kết mà không rút ra được gì, thì sửa Luật cũng không đem lại hiệu quả cao. Như thế này giám sát chưa chắc đã bằng một bài báo. Bài báo chỉ cần xoáy vào một điểm là có kết quả chứ giám sát của Quốc hội gì mà cứ tràng giang đại hải”.
"Quốc hội muốn đổi mới, để giám sát không còn là hình thức phải sửa luật này, nhưng dự thảo đưa ra tôi hơi thất vọng vì hầu như các quy định không có nhiều đổi mới. Phải tập trung tư duy để đổi mới việc này. Giám sát phải phục vụ các quyết định quan trọng, gắn với quyền lực của Quốc hội. Giám sát Quốc hội cũng phải tạo ra một dư luận, tiếng nói của xã hội như Mặt trận. Quốc hội có quyền bãi miễn và các quyền khác thì nên căn cứ trên kết quả giám sát. Do đó, dự thảo luật cần thu gọn, làm rõ giám sát ai, giám sát cái gì, hình thức nào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.