Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh - Mục tiêu cao nhất

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:35, 19/01/2015

(HNM) - Cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 14/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18/2014 của Bộ Y tế về việc cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn. Việc triển khai đề án luân phiên cán bộ y tế giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ nhân lực


Hiệu quả đã rõ

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo và phân công các BV tuyến thành phố cử cán bộ y tế đến từng BV tuyến quận, huyện nhằm hỗ trợ công tác khám chữa bệnh và triển khai kỹ thuật chuyên môn, giúp BV quận, huyện có thể tiếp nhận điều trị ca khó. Việc luân phiên còn giúp hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt tuyến giảm tải cho BV tuyến trên. Thời gian gần đây, công tác luân phiên cán bộ y tế đã giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các BV quận, huyện.

Khám và điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ.



Từng bị đánh giá là BV hạng 3 yếu nhất trong tuyến BV huyện của Thủ đô, sau khi nhận được sự hỗ trợ của BV Đa khoa Xanh Pôn và BV Phụ sản Hà Nội, hiện nay, BV Đa khoa Phúc Thọ đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Phó Giám đốc BV Đa khoa Phúc Thọ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, 6 tháng trở về trước, BV có quy mô 180 giường nhưng tại 2 khoa Ngoại và Sản chỉ thực hiện được từ 3 đến 5 ca khám bệnh/ngày; mỗi tháng chỉ có chừng 3-5 bệnh nhân điều trị nội trú và 3-7 ca đẻ. Thời điểm đó, BV chưa triển khai được kỹ thuật cao do "khát" bác sĩ có trình độ và điều đó khiến người dân không yên tâm khi khám chữa bệnh tại đây. Kể từ ngày 1-7-2014, BV Phụ sản Hà Nội đã cử 2 bác sĩ sản khoa, 1 bác sĩ gây mê hồi sức, 1 nữ hộ sinh, 1 kỹ thuật viên và 1 điều dưỡng hồi sức sơ sinh đến BV Đa khoa Phúc Thọ. Các y, bác sĩ này trực tiếp tham gia cấp cứu, khám và quản lý thai nghén, khám phụ khoa và sàng lọc ung thư phụ khoa bước đầu, phẫu thuật mổ đẻ, phẫu thuật phụ khoa, thực hiện kỹ thuật chăm sóc và hồi sức sơ sinh ban đầu. BV Đa khoa Xanh Pôn cũng cử 1 bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, 1 bác sĩ gây mê hồi sức đảm nhiệm việc thực hiện các kỹ thuật như khám, phân loại bệnh nhân, điều trị, phẫu thuật ngoại khoa, tổ chức các buổi khám bệnh "Ngày thứ bảy Xanh Pôn tại BV Đa khoa huyện Phúc Thọ". Nhờ có sự hỗ trợ này, lượng bệnh nhân đến BV Đa khoa Phúc Thọ khám tăng lên 40-50 lượt/ngày (gấp 10 lần so với trước); số ca đẻ tại BV cũng tăng lên 120-150 ca/tháng - khoảng 50% số ca sinh đẻ của toàn huyện. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng BV Đa khoa Phúc Thọ thực hiện được 60-70 ca mổ ngoại và sản khoa. Đây là điều mà từ trước đến nay lãnh đạo BV chưa bao giờ nghĩ sẽ đạt được.

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh nhận xét: "Cơ sở y tế tuyến dưới rất thiếu bác sĩ chuyên khoa, do đó, chúng tôi đã quyết định hỗ trợ giúp đỡ nâng cao khả năng chuyên môn thông qua hình thức "cầm tay chỉ việc". Nhờ những lần được trực tiếp quan sát bác sĩ BV tuyến trên làm việc nên hiện tại, bác sĩ tại BV Phúc Thọ đã thực hiện được những ca khó, bảo đảm áp dụng kỹ thuật khó hơn. "Các BV tuyến trên xuống BV tuyến dưới không chỉ để giúp họ trong một khoảng thời gian nhất định. Điều mà chúng tôi hướng tới là sau khi mình rút đi, cơ sở sẽ tiếp thu và triển khai có hiệu quả kỹ thuật mà BV tuyến trên đã chuyển giao cho họ", Giám đốc Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh.

Cần có phương án luân phiên phù hợp

Theo kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, năm nay, toàn ngành sẽ có 25 đơn vị cử cán bộ y tế đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới (tổng cộng 144 người, gồm 107 bác sĩ, 14 kỹ thuật viên, 4 cử nhân điều dưỡng và 19 điều dưỡng, hộ sinh viên). Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người hành nghề đến hỗ trợ là 39 đơn vị, trong đó có 22 BV, 14 trung tâm y tế và 3 trạm y tế xã.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế Thủ đô nói chung và tuyến y tế cơ sở nói riêng, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vốn đang thiếu cán bộ y tế. "Khi thực hiện tốt kế hoạch này, bệnh nhân không phải lên tuyến trên khám chữa bệnh. Điều đó sẽ giảm áp lực cho BV tuyến trên, giảm áp lực cho chính các bác sĩ, tạo điều kiện cho họ được chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, hạn chế sai sót chuyên môn", ông Nguyễn Khắc Hiền chia sẻ.

Việc thực hiện luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương quan trọng. Vấn đề đặt ra hiện nay là tổ chức rút kinh nghiệm từ những "mô hình luân phiên" hiệu quả, đánh giá chính xác "sự thiếu, sự yếu" của cơ sở y tế tuyến dưới nhằm có phương án nhân sự luân phiên phù hợp.

Thu Trang