Quản lý trật tự xây dựng tại Làng cổ Đường Lâm: Còn nhiều bất cập

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 19/01/2015

(HNM) - Từ cuối năm 2013 đến nay, tại Làng cổ Đường Lâm, xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà bê tông kiên cố mới, song chưa hộ nào được cấp phép xây dựng.


Nét cổ kính đang bị phá vỡ

Làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm (Sơn Tây) được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2005, gồm 5 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm. Hiện làng còn 99 ngôi nhà cổ có giá trị; gần 1.000 ngôi nhà truyền thống (mái ngói, tường đá ong hoặc gạch…) và nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng. Làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ nên ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan. Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển du lịch nhưng gần đây, nhiều vi phạm TTXD đã phát sinh, khiến bức tranh làng cổ xuất hiện nhiều mảng tối.

Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: Bá Hoạt


Thực tế tại thôn Mông Phụ - vùng bảo vệ 1 của Làng cổ Đường Lâm, phóng viên ghi nhận được một số trường hợp XD nhà ở nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép và vi phạm quy hoạch, làm mất đi vẻ đẹp của làng cổ, điển hình là hộ ông Giang Văn Bảo ở gần đình Mông Phụ. Theo quy hoạch, đối với tuyến ngõ có mặt cắt rộng hơn hoặc bằng 3m, công trình có khoảng lùi so với chỉ giới ngõ tối thiểu 10m nhưng gia đình ông Bảo đã xây nhà sát hai tuyến ngõ, không có khoảng lùi, ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan làng cổ. Trên đường từ đình Mông Phụ đi chùa Mía, có hộ bà Lan đang hoàn thiện công trình XD nhà 2 tầng kiên cố, vi phạm quy định về khoảng lùi và cũng chưa được cấp phép XD. Ngoài ra, dọc một số ngõ của làng Mông Phụ, phóng viên nhận thấy có không ít hộ trong quá trình XD đã vi phạm các quy định quản lý, bảo tồn, tôn tạo làng cổ, như tự ý phá tường bao đá ong để xây tường gạch mới, trổ tường nhà mở cửa ra đường, xây nhà 2 tầng kiên cố không đúng quy hoạch, để bồn inox chứa nước trên cao…

Thực trạng XD không đúng quy hoạch nêu trên đang dần dần phá vỡ vẻ đẹp cổ kính của Di tích Làng cổ Đường Lâm. Nhưng có một điều rất lạ là tất cả vi phạm mới bị… lập biên bản mà chưa bị xử lý (?). Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ dân thuộc khu vực Làng cổ Đường Lâm cải tạo, XD nhà ở không có GPXD và vi phạm quy hoạch. Lý do, đất ở của người dân Làng cổ Đường Lâm hiện nay quá chật, dân số ngày càng tăng, nhiều hộ gia đình có 3-4 thế hệ cùng ở. Nhà ở xuống cấp, nhiều hộ có nhu cầu xây nhà kiên cố để ở. Trước thực trạng trên, xã Đường Lâm và các ngành chức năng của thị xã Sơn Tây đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định liên quan bảo tồn làng cổ, song hiệu quả chưa như mong muốn.

Bao giờ mới được cấp phép?

Theo báo cáo của Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, trong năm 2014 khu vực Làng cổ Đường Lâm có 48 hộ XD nhà ở, công trình phụ trợ thì cả 48 hộ đều chưa được cấp phép. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3-2014 (trước thời điểm công bố quy hoạch) có 10 hộ XD nhưng có 4 hộ xây sai quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích làng cổ của UBND thị xã Sơn Tây (không sử dụng vật liệu truyền thống - PV); từ tháng 4 đến hết tháng 12-2014, có 38 hộ XD, trong đó có tới 27 hộ (gồm 3 hộ có nhà cổ) XD sai quy hoạch, chủ yếu vi phạm về khoảng lùi.

Một số hộ trổ tường, mở cửa ra ngõ đi vi phạm quy hoạch tại Làng cổ Đường Lâm nhưng không bị xử lý.


Lý giải việc này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: Theo Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, nếu muốn XD, cải tạo nhà, người dân Đường Lâm phải làm thủ tục rất lâu, quy trình từ thôn đến thành phố, Bộ VH-TT&DL. Sau khi được Bộ chấp thuận, UBND thành phố ủy quyền cho Sở Xây dựng cấp phép thì người dân mới được tu bổ, sửa nhà. Nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xin phép XD, UBND thành phố đã ủy quyền cho UBND thị xã Sơn Tây cấp phép XD cho các hộ dân ở Đường Lâm. Mặc dù từ tháng 6-2014, UBND thị xã Sơn Tây đã có văn bản hướng dẫn quy trình cấp phép XD cho nhà ở riêng lẻ tại Làng cổ Đường Lâm, thế nhưng trong năm 2014 thị xã chưa cấp phép được cho hộ nào, trong khi đó trước khi cải tạo, XD nhà, các hộ đều đã làm đơn, hồ sơ gửi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của thị xã đề nghị cấp phép XD.

Cũng theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến việc cấp phép XD tại Đường Lâm chưa thể thực hiện, trong đó nguyên nhân chính là do hầu hết diện tích đất của các hộ đều hẹp, thiếu chỗ ở, nhà ở và công trình phụ trợ xuống cấp. Do vậy, nếu cấp phép theo quy hoạch (cụ thể về khoảng lùi) thì hầu hết các hộ không bảo đảm điều kiện để cấp. Ngoài ra, việc thiết kế XD nhà mẫu tại làng cổ chưa hoàn thiện; dự án đầu tư xây dựng khu giãn dân phục vụ bảo tồn Làng cổ Đường Lâm chưa hoàn thành; các điều kiện và cơ chế hỗ trợ đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ chưa được triển khai… cũng là nguyên nhân khiến việc cấp phép XD tại Đường Lâm chưa thể thực hiện được.

Như vậy, có thể thấy nhu cầu nhà ở của người dân là có thật. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng nêu trên ở Làng cổ Đường Lâm đã vi phạm các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó một phần trách nhiệm quan trọng thuộc về chính quyền địa phương. Thực tế này rất cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng. Nếu không, vẻ đẹp cổ kính, giá trị của Làng cổ Đường Lâm sẽ còn tiếp tục bị xâm hại.

Đỗ Hà