Vinachem phấn đấu đạt doanh thu 49 nghìn tỷ đồng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 18:47, 17/01/2015

(HNMO) - Phó Tổng Giám đốc Vinachem cho biết, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra cho tập đoàn trong năm 2015 là tăng giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 7,2% so với năm 2014, tương đương với trên 45 nghìn tỷ đồng; doanh thu tăng 7,2% tương đương trên 49 nghìn tỷ đồng.


Theo báo cáo của Vinachem, năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và doanh thu đạt trên 46 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vinachem đạt 507 triệu đô la Mỹ (USD); trong đó xuất khẩu đạt 231 triệu USD.

Mặc dù vậy, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách trong năm qua đạt mức tăng trưởng không cao. Vẫn có 3/29 đơn vị sản xuất kinh doanh lỗ và có đơn vị phải giảm sản xuất dẫn tới ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Tình trạng thiết bị sản xuất của một số doanh nghiệp hoạt động chưa ổn định cũng làm giảm sản lượng sản xuất chung của toàn Tập đoàn.

Để hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu đề ra trong năm 2015, đặc biệt là kế hoạch giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vinachem sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi thành viên thuộc tập đoàn; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu tập đoàn; đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng đối với các dự án trọng điểm như dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, dự án Muối Lào, dự án Nhà máy sản xuất Amoniac và dự án sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh... Vinachem cũng triển khai tích cực một số chương trình hành động như Chương trình, kế hoạch phát triển từng nhóm ngành sản phẩm hay Kế hoạch phát triển tổng thể của Tập đoàn.

Vinachem kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức vốn điều lệ để tạo điều kiện cho tập đoàn cân đối nguồn lợi nhuận sau thuế và giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sỡ hữu. Ngoài ra, đề nghị việc cấp phép thăm dò cho Công ty Apatit giai đoạn 2016-2020 để đáp ứng quặng cho các nhà máy tuyển và các nhà máy sản xuất phân bón hiện nay.

Liên quan tới lĩnh vực phân bón, đại diện cho nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành phân bón, ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - đơn vị có doanh thu cao nhất thuộc Tập đoàn Vinachem trong lĩnh vực phân bón kiến nghị Chính phủ đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất 0%. Do Luật thuế hiện nay đang quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp….thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Vì vậy, giá thành các sản phẩm phân bón sản xuất trong nước như urê, DAP, phân supe lân và lân nung chảy đang tăng rất mạnh vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đó là chưa kể phải cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế.

Thanh Mai