Quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ: Có là sự đánh đố?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 17/01/2015

(HNM) - Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1-1-2015, các thiết bị như điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính bảng, pin, ắc quy... khi hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ phải thu hồi lại sản phẩm.

Nhiều sản phẩm thải bỏ được thu mua qua kênh "mua bán đồng nát".



Bán đồng nát, được đồng nào hay đồng ấy

Đây là câu trả lời chiếm đa số khi phóng viên làm cuộc thăm dò ý kiến đối với người dùng các sản phẩm như: Máy vi tính, máy ảnh, máy quay, ĐTDĐ, đầu đĩa… cũ hỏng, không sử dụng được nữa. Có thể nói, lâu nay việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất (NSX), nhập khẩu về cơ bản không được thực hiện. Đối với sản phẩm có giá trị sau khi tái chế (ắc quy, thiết bị điện, điện tử), NSX thu hồi về rất ít (chủ yếu là sản phẩm bị hỏng còn thời hạn bảo hành) mà chủ yếu do các tổ chức, cá nhân thu gom không chính thức thực hiện. Đội ngũ những người "thu gom đồng nát" len lỏi tới các ngõ ngách để mua hàng sau đó chuyển về cho các cơ sở tận dụng tái chế. Hà Nội cũng như các tỉnh, thành đều có làng nghề tái chế tồn tại khá lâu đời như Triều Khúc, Trung Văn (Hà Nội); Đông Mai (Hưng Yên); Xuân Tiến (Nam Định)... Thực tế cho thấy, hoạt động thu gom, xử lý này đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do cơ sở hạ tầng còn yếu kém; công nghệ thu gom, xử lý lạc hậu...

Do đó, Quyết định 50/2013/QĐ-TTg được xem là quy định thực sự vì môi trường. Được xây dựng trên nguyên tắc "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất", tức là doanh nghiệp (DN) phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khi bán ra thị trường cho đến khi được thu hồi, xử lý đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy các DN không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái chế.

Không dễ thực hiện

Theo lộ trình thu hồi sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1-1-2015, bắt đầu triển khai với các thiết bị như ĐTDĐ, máy tính bảng, pin, ắc quy... Từ ngày 1-1-2016 sẽ thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy, tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Đến ngày 1-1-2018, các loại phương tiện giao thông như mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại thải bỏ cũng sẽ bị thu hồi và xử lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này việc thực hiện các quy định trên là không dễ dàng trên thực tế.

Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg, sản phẩm thải bỏ là sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng. Tuy nhiên, thế nào là sản phẩm hết hạn, sử dụng đến bao lâu thì hết hạn… thì vẫn chưa có quy định này. Nếu ở các dòng sản phẩm: Thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm… người tiêu dùng (NTD) có thể nhận biết được thời hạn sử dụng sản phẩm trên bao bì nhờ các quy định bắt buộc gắn nhãn ngày sản xuất, ngày hết hạn. Nhưng đối với các sản phẩm nằm trong danh mục tại Quyết định 50/2013/QĐ-TTg, NTD không biết sử dụng bao lâu thì sản phẩm này hết "đát" mà hầu hết khi bị hỏng, không sử dụng được nữa thì thải bỏ.

Trong khi đó, về phía các DN, do đến nay chưa có thông tư hướng dẫn nên các đơn vị chưa biết thực hiện ra sao. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, từ trước đến nay rất ít ô tô, xe máy được tháo dỡ toàn bộ để xử lý thải bỏ mà mới chỉ ưu tiên xử lý các bộ phận như ắc quy, dầu, lốp, túi khí... Việc xác định trách nhiệm trong xử lý sản phẩm thải bỏ đối với ngành sản xuất xe máy không đơn giản vì rất nhiều phụ tùng chung được sử dụng và rất khó xác định trách nhiệm của NSX nào (dầu, lốp). Trong đó, rất nhiều phụ tùng xe máy thải bỏ có thể bán với giá trị nhất định như dầu thải, ắc quy thải. Đây cũng là mặt hàng được các cơ sở xử lý không hợp pháp săn mua với giá cao hơn so với cơ sở thu gom và xử lý được cấp phép sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ đúng quy định. Đại diện Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho biết: Việc phân loại, thu gom sản phẩm thải bỏ gần như không thể thực hiện được vì sau một thời gian sử dụng, với số lượng đèn huỳnh quang thải bỏ nhỏ lẻ, không thường xuyên nên người dân thường bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Việc quy định thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ thông qua hệ thống phân phối rất khó khăn vì hạn chế về mặt bằng và điều kiện kinh doanh.

Trong khi chi phí cho việc thực hiện thu gom và xử lý tái chế sản phẩm thải bỏ hiện nay rất cao thì cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho DN, NTD cũng chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Những khó khăn kể trên cho thấy, để Quyết định 50/2013/QĐ-TTg đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư và các văn bản hướng dẫn chi tiết cùng chính sách ưu đãi hỗ trợ cả DN, nhà thu gom và NTD cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Dạ Khánh - Thùy Ngân