Không thể trăm “dâu” đổ đầu… ngành văn hóa!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:29, 16/01/2015

(HNM) - Nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội (LH), lãnh đạo ngành văn hóa từ Bộ VH-TT&DL tới cơ sở tham dự hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý, tổ chức LH năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra chiều 15-1 tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã

Du khách dâng hương tại Chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Khánh Nguyên



Vì sao "sạn" vẫn nhiều?

Sự chuyển biến tích cực trong LH xuân Giáp Ngọ 2014 là không thể phủ nhận, nhưng "sạn" vẫn còn rất nhiều. Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), điểm nhấn của mùa LH 2014 là yêu cầu hạn chế sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ để đặt, giắt vào tay tượng, gốc cây, rải xuống giếng từ phía các cơ quan chức năng, nhưng thực tế cho thấy hiện tượng này vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều LH. Tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn tồn tại ở LH Cướp Phết, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), lễ hội đền Trần (Nam Định), hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem tay, xem tướng… chưa được khắc phục ở LH chùa Keo (Thái Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Dầy (Nam Định)… Đáng lo ngại hơn, các LH mới xuất hiện ngày một nhiều, thu hút nhiều người tham gia (LH Hội hoa Đà Lạt, festival Huế, festival văn hóa ẩm thực, festival diều quốc tế…), nhưng chưa có sự điều chỉnh từ các văn bản quy phạm pháp luật, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. "Các LH mới mang lại lợi ích kinh tế, quảng bá tốt cho các sản phẩm ngành nghề, góp phần xúc tiến thương mại, phát triển du lịch. Chỉ tiếc rằng, công tác tổ chức LH thường mang tính tự phát, chương trình hoạt động chưa phong phú, kịch bản tổ chức na ná nhau, giá trị văn hóa truyền thống chưa được khai thác và phát huy hiệu quả", Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy nhận định.

Nguyên nhân khiến "sạn" trong LH "nhặt" từ năm này sang năm khác vẫn chưa hết theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở có một phần thuộc về các cơ quan quản lý, một phần do người dự hội. Cụ thể là một số địa phương đặt lợi ích kinh tế của LH lên trên những giá trị văn hóa; công tác tuyên truyền về LH còn đơn điệu, chưa kiểm tra thường xuyên, mô hình quản lý chưa thống nhất…Về phía người dự hội, một bộ phận không nhỏ đến với LH mang theo niềm tin tín ngưỡng thái quá nên cố chen lấn, xô đẩy để cầu lộc, cầu an, cầu danh mà quên đi những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của LH mang lại. Đây cũng là nhận định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cùng nhiều đại biểu tham dự hội nghị.

Phải quy rõ trách nhiệm

Những tháng cao điểm của mùa LH trước, hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra do Bộ VH-TT&DL thành lập đã "mục sở thị" hầu hết LH lớn khắp mọi miền đất nước. Dự kiến trong mùa LH năm nay, lực lượng thanh tra của Bộ sẽ kiểm tra khoảng 60 LH lớn; thanh tra văn hóa các tỉnh, thành phố cũng sẽ liên tục kiểm tra công tác quản lý, tổ chức trước, trong và sau LH. Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành văn hóa các cấp có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về truyền thống văn hóa của LH; hướng dẫn người dự hội đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; hạn chế đốt vàng mã trong khu vực di tích; bổ sung thùng rác, nhà vệ sinh công cộng; sắp xếp hệ hống hàng quán, dịch vụ một cách hợp lý. Ngoài ra, các địa phương sẽ không bố trí địa điểm cho những hộ kinh doanh đổi tiền lẻ, bán đồ mã, trong khu vực di tích, LH; không tiếp nhận công đức bằng hiện vật; không đưa đồ thờ tự không phù hợp với thuần phong, mỹ tục vào di tích; không khắc bia người công đức... Tổ chức, cá nhân nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định.

Nói về các giải pháp này, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lào Cai Trần Hữu Sơn thẳng thắn: "Hướng đi thì đúng, nhưng cách thức thực hiện rất cần sự đổi mới. Đành rằng là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhưng theo tôi, thay vì khua chiêng múa trống đi kiểm tra, tại sao chúng ta không triển khai một cách lặng lẽ để kết quả thu được thực sự khách quan; thay vì tốn công sức, chi phí cho đoàn kiểm tra đông người, tại sao Bộ không quy trách nhiệm rõ ràng cho lãnh đạo các địa phương có LH, ai làm sai, làm chưa tốt sẽ bị xử lý". Cũng theo ông Trần Hữu Sơn, LH luôn có tính thiêng, người đến dự hội luôn muốn nhận được lộc và tán lộc, vì thế các cơ quan chức năng nên có dự báo lượng khách đến trước mùa LH để bố trí các dịch vụ, số lượng lộc sẽ phát sao cho hợp lý, tránh tình trạng xô đẩy để cướp lộc hoặc tìm mọi cách để "gửi" lộc lại di tích như cách đặt tiền lẻ bừa bãi mà chúng ta thường thấy.

Về việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong LH, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Phạm Xuân Phúc cho rằng đó là việc khó như … lên trời. Bởi lẽ, muốn xử phạt được, lực lượng thanh tra phải trực tiếp "bắt" được người, được việc vi phạm, lập biên bản rồi mới đề nghị xử lý vi phạm hành chính, thanh tra văn hóa không có quyền xử phạt hành chính. Ví dụ như việc đốt đồ mã, thanh tra chỉ có thể nhắc nhở, xử lý ở ngoài đường hoặc trong không gian LH, còn nếu họ đốt nhiều mà đốt trong các lò hóa mã do BQL di tích bố trí thì không sao. Hoạt động lên đồng chỉ có thể kết luận là họ tuyên truyền mê tín dị đoan nếu là đồng phán truyền, còn lên đồng đi cùng hát chầu văn thì không thể xử lý… "LH rất đông người, diễn ra dài ngày trong không gian rộng, trong khi lực lượng thanh tra văn hóa mỏng nên để "bắt" được các vụ việc vi phạm trực tiếp là điều không dễ. Muốn có "chứng cứ" phải có sự phối hợp liên ngành và hợp tác của các địa phương, không thể trăm việc của LH cứ đổ lên đầu ngành văn hóa", ông Phạm Xuân Phúc kiến nghị.

Mùa LH xuân Ất Mùi 2015 đang đến gần, song những mối lo cũ vẫn chưa hết!

Hà Hiền