Nhật Bản gia tăng sức mạnh phòng thủ

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 16/01/2015

(HNM) - Chưa đầy một tháng sau khi tung gói kích thích kinh tế khẩn cấp trị giá 3,5 nghìn tỷ yen (gần 30 tỷ USD), nội các Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục lên tới 96.340 tỷ yen (hơn 810 tỷ USD) cho tài khóa năm 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Điểm được dư luận xứ Phù Tang và quốc tế chú ý là trong dự thảo ngân sách mới, chi tiêu quốc phòng của đất nước Mặt trời mọc sẽ tăng 2% với năm 2014, lên mức cao kỷ lục là 4.980 tỷ yen. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách cho lĩnh vực này khi Thủ tướng Shinzo Abe muốn năng lực phòng vệ của đất nước và sự kiểm soát trên toàn lãnh thổ phải đạt hiệu quả cao hơn.

Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng để củng cố năng lực phòng thủ.



Với mức 4.980 tỷ yen, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa mới - bắt đầu từ ngày 1-4 tới - chiếm khoảng 5% ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào suy thoái do tác động của chính sách tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ ngày 1-4 năm ngoái, việc Chính phủ của Thủ tướng S.Abe "mạnh tay" chi cho quốc phòng là một tính toán chiến lược. Theo đó, Nhật Bản sẽ dành phần lớn số tiền để tái trang bị cho các tàu hải quân và phương tiện chiến đấu bảo vệ vùng biển giáp Trung Quốc, nơi Tokyo có tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông; đồng thời mua máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, xây dựng căn cứ quân sự và di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ tại Futenma…

Thực tế cho thấy, từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng S.Abe đã đảo ngược xu hướng giảm của ngân sách quốc phòng Nhật Bản trong suốt 11 năm trước. Sự kiện Trung Quốc ngày một nổi lên như một cường quốc quân sự và kinh tế của khu vực cùng những hành động leo thang trên Biển Đông - liên quan tuyến hàng hải huyết mạch toàn cầu - đã khiến Nhật Bản không thể không quan ngại. Tăng ngân sách quốc phòng được Chính phủ Nhật Bản cho là cần thiết để "bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ" cũng như vị thế quốc gia ở tầm khu vực và quốc tế. Không những thế, tăng ngân sách quốc phòng hằng năm và ở mức cao như hiện nay còn là bước đi nhằm hiện thực hóa những thay đổi chiến lược về an ninh và quân sự của Tokyo dưới thời Thủ tướng S.Abe. Nhằm tăng sức phòng thủ, năm ngoái nội các Nhật Bản cũng đã thay đổi cách diễn giải Hiến pháp hòa bình vốn được duy trì suốt gần 7 thập kỷ qua không ngoài mục đích cho phép quân đội Nhật Bản được bảo vệ các đồng minh trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua một đạo luật nhằm tăng cường trừng phạt hành vi làm rò rỉ bí mật quốc gia.

Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng đã được Chính phủ Nhật Bản hé lộ từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên, sự kiện ngân sách quốc phòng được nội các thông qua với sự đồng thuận cao nhất từ trước đến nay, giữa lúc nền kinh tế Nhật Bản đang ở ngưỡng suy thoái khiến dư luận quan tâm. Lý giải về một quyết định như vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Thủ tướng S.Abe đang đặt ưu tiên đặc biệt cho cải cách chính sách an ninh nội địa và trước những đe dọa từ bên ngoài. Dù ba năm trở lại đây Nhật Bản đã mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 1/3 so với quốc gia láng giềng Trung Quốc. Theo kế hoạch trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ chi thêm 24.700 tỷ yen (tức hơn 230 tỷ USD) cho mục đích quân sự. Cơ sở để thực hiện tham vọng này là việc Chính phủ của Thủ tướng S.Abe phải giải quyết những khó khăn về kinh tế, để có thể chi thêm cho quốc phòng mà không ảnh hưởng đến các khoản phúc lợi xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế chung. Vì thế, trong tổng ngân sách tài khóa năm 2015 vừa được nội các thông qua, Nhật Bản sẽ dành 23.450 tỷ yen để thanh toán nợ công và chi cho an sinh xã hội dự kiến tăng 3,3% so với tài khóa trước, lên mức 31.530 tỷ yen.

Thời gian qua, Nhật Bản đã có những bước chuyển mới về chính sách an ninh - quốc phòng khi hướng tới một "nước lớn về quân sự". Để hiện thực hóa quyết tâm đó, Nhật Bản muốn chuyển từ "an ninh lệ thuộc" sang "an ninh tự chủ", từ "phòng thủ lãnh thổ" đến "can dự bên ngoài"… Với những quyết sách đó, lựa chọn tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là không quá khó hiểu.

Đình Hiệp