Điểm sáng trong bức tranh toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 14/01/2015

(HNM) - Những ngày đầu năm mới đang gõ cửa nước Mỹ. Trong một đánh giá chung công bố ngày 12-1 của các nhà kinh tế thuộc 3 tập đoàn tài chính - ngân hàng, gồm: JP Morgan Chase&Co. (Mỹ), Deutsche Bank AG (Đức) và BNP Paribas SA của Pháp xác định, kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014

Như vậy, sau 15 năm chứng kiến sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nền kinh tế lớn mới nổi, nước Mỹ đang trở lại vị thế. Với tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt 3,2% trong năm 2014 rõ ràng đây là bước đi ngoạn mục nhất trong gần 10 năm qua của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.



Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nước Mỹ vừa trải qua một năm đầu tiên - kể từ năm 1999 - tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này không bị xếp sau tốc độ phát triển chung của kinh tế toàn cầu. Theo đó, chính quyền của Tổng thống B.Obama đã tạo được tổng cộng hơn 3 triệu việc làm mới, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Chi tiêu của người tiêu dùng - đóng góp hơn 70% vào guồng máy kinh tế, tăng mạnh - được xem là nguyên nhân chính đẩy nhanh tốc độ cải thiện nền kinh tế của Mỹ. Thực phẩm và đặc biệt là giá xăng dầu liên tiếp "phá đáy" trong thời gian qua khiến nhiều chính phủ lao đao nhưng lại giúp người tiêu dùng xứ Cờ hoa dư dật và chi tiêu nhiều hơn. Cũng theo IMF, với mức 11.500 tỷ USD trong năm 2013, chi tiêu cá nhân của người Mỹ lớn hơn GDP của bất kỳ nước nào, kể cả cường quốc kinh tế mới nổi là Trung Quốc.

Tăng lương tại Mỹ là điều cũng được dự báo trong những tháng tới khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cả miền Đông lẫn miền Tây kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 3% hoặc cao hơn trong năm mới 2015. Cùng với mức lương tăng, tỷ số nợ trên thu nhập trung bình tại các hộ gia đình Mỹ cũng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2002. Ở một góc nhìn khác, nền kinh tế Mỹ đang hưởng lợi chính từ sự tăng trưởng chậm của nhiều quốc gia. Các nhà đầu tư đã tìm đến trái phiếu chính phủ Mỹ như là kênh trú ẩn an toàn cho tài sản, gián tiếp giúp kiềm chế lạm phát và lãi suất cho vay của Mỹ gồm cả các tài sản thế chấp. Khi đó, lãi suất thấp lại quay ngược lại, trợ lực cho bất động sản khiến doanh số bán nhà và xây dựng từ thị trường Mỹ cũng được dự báo tăng cao trong năm nay. Với đà tăng trưởng đầy lạc quan, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ đóng góp khoảng 18% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn so với tỷ trọng 11% của các nước công nghiệp khác cộng lại. Đây là minh chứng cho thấy chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng trong thời gian qua đã gặt hái những thành quả ban đầu. Bởi thế, trong thời gian tới rất ít khả năng FED đưa ra những quyết sách bất ngờ và đột biến về phương diện chính sách tiền tệ.

Mặt khác, giá dầu giảm mạnh thời gian qua cũng được xem là nhân tố quan trọng giúp kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng cao. Giá dầu giảm mạnh đã tạo thuận lợi đáng kể cho sản xuất, kinh doanh tại đất nước ngốn nhiên liệu hàng đầu thế giới do chi phí năng lượng giảm. Điều đáng chú ý là giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh ngay sau khi Mỹ có bước phát triển đầy ấn tượng do nước này làm chủ được công nghệ khai thác dầu mỏ từ đá phiến, khai sinh một cuộc cách mạng năng lượng mới. Nhờ đó, quốc gia Bắc Mỹ đã trở thành nước khai thác dầu lửa lớn nhất thế giới, vượt cả Saudi Arabia lẫn Nga. Ngoài hiệu quả kinh tế đã thấy rõ, công cuộc khai thác dầu khí từ đá phiến đã không chỉ giúp Mỹ đạt bước tiến dài và cơ bản trong bảo đảm an ninh năng lượng mà còn làm thay đổi cả tương quan sức mạnh trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản chật vật tìm kiếm tăng trưởng hoặc rơi vào suy thoái thì kinh tế Mỹ là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Dẫu không quá lạc quan, nhưng một lần nữa Mỹ lại chứng tỏ vai trò của nền kinh tế số một thế giới khi chỉ riêng sự hồi phục của nó cũng đủ đem lại hy vọng trong năm 2015.

Thùy Dương