Đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 14/01/2015

(HNM) - Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động

Năm 2014, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cùng các đơn vị thành viên triển khai 34 phiên chợ Việt trên địa bàn các huyện, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất; triển khai 470 chuyến bán hàng lưu động... Qua các "Hội chợ hàng Việt", "Phiên chợ Việt", những chuyến đưa hàng về nông thôn đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao. Đáng chú ý, mặc dù những chuyến bán hàng lưu động chỉ được tổ chức ngắn ngày, diện tích bán hàng chỉ 150-300m2 nhưng doanh thu rất khả quan.

Nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.


Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro cho biết, phát triển thị trường nông thôn là một trong những bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, do tại vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc đưa hàng về những khu vực này không phải dễ dàng nên chỉ các DN thật sự vì cộng đồng mới nỗ lực đưa hàng về thị trường nông thôn, miền núi. Thời gian qua, Hapro đã liên kết chặt chẽ với các DN thương mại mua hàng với số lượng lớn để giảm giá hàng hóa, qua đó kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống tổng kho dự trữ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá, nhất là những thời điểm tăng đột biến về nhu cầu như dịp lễ, Tết. Thực tế cho thấy, việc tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện giúp DN thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân. Quan trọng hơn là hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tạo cơ hội cho thương hiệu Hapro chiếm được tình cảm và sự tin cậy của người dân Thủ đô. Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Hapro sẽ tiếp tục tổ chức chương trình bán hàng Việt theo mô hình "Chợ Tết" tại các huyện ngoại thành.

Theo Sở Công thương Hà Nội, nhằm thực hiện có hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Hà Nội sẽ tổ chức chương trình "Hàng Việt tại các quận, huyện trên địa bàn". Ngoài nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả CVĐ, chương trình còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa; bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, bình ổn giá cả phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Sở Công thương yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất tham gia chương trình phải là sản phẩm hàng Việt, bảo đảm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản; hàng dệt may, da giày; thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng và trang trí nội thất; quà tặng, văn phòng phẩm; các sản phẩm làng nghề truyền thống…

Về lâu dài, để hàng Việt chiếm lĩnh sâu hơn thị trường nông thôn, miền núi, ngoài những nỗ lực của cộng đồng DN, Hà Nội đang lên kế hoạch đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối. Hiện hệ thống thương mại khu vực ngoại thành và nông thôn, nhất là miền núi còn nhiều hạn chế do sức mua thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn nên khó thu hút được DN đầu tư, phát triển.

Vì vậy, thời gian tới thành phố sẽ phát triển thêm 5 trung tâm buôn bán cấp vùng, 200 chợ, 72 siêu thị… trong đó có nhiều chợ, siêu thị tập trung tại khu vực ngoại thành, miền núi và nông thôn.

Với quy mô 40-60 gian hàng tại mỗi điểm, đợt một của chương trình sẽ được tổ chức tại các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ từ ngày 7-2 đến ngày 11-2-2015 (tức từ ngày 19 đến ngày 23 tháng Chạp Tết Nguyên đán Ất Mùi); đợt hai tại các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn và quận Hoàng Mai từ ngày 10-2 đến ngày 15-2-2015 (tức từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Chạp Tết Nguyên đán Ất Mùi).

Thanh Hiền