Vì lợi ích nghìn năm

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:47, 14/01/2015

(HNM) - Bộ VH,TT&DL đã sơ kết 5 tháng thực hiện chủ trương loại bỏ những dị vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các đền chùa, di tích lịch sử văn hóa.

Tại đây, một thông tin làm an lòng những người quan tâm đến văn hóa nước nhà là có đến 98% (riêng với Hà Nội là 100%) các dị vật chủ yếu mang phong cách văn hóa ngoại lai đã được đưa khỏi những nơi thờ cúng linh thiêng. Giữa cuộc sống hiện đại với rất nhiều sự kiện đang diễn ra như hiện nay, một thông tin như thế dễ thoảng qua trong nhiều thông tin nóng bỏng. Nhưng với những người quan tâm đến văn hóa, sự kiện đó rất quan trọng.

Chúng ta đã có rất nhiều cố gắng nhằm bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc nhưng cũng phải thừa nhận rằng còn nhiều yếu kém, bất cập. Trong đó có vấn đề giữ gìn, bảo tồn, phát huy các văn hóa vật thể và phi vật thể của các chùa chiền, di tích lịch sử, văn hóa. Nghĩ rằng chùa chiền và các di tích lịch sử văn hóa là những chứng tích của quá khứ, đã trở thành chốn linh thiêng nên ít có sự kiểm soát và một thời gian dài chúng ta lơi lỏng quản lý. Do sơ hở này và cũng do hiểu sai, thiếu kiến thức về văn hóa, xã hội hóa nên nhiều người đã cung tiến tiền của, hiện vật; nhiều người đã trồng cây không phù hợp; nhiều nhà kiến trúc đã thiết kế kiểu dáng xa lạ khi dựng mới hoặc sửa chữa các đền chùa, di tích. Kết quả là sau mấy chục năm, xuất hiện vô số những đền chùa mang kiểu dáng xa lạ, nhiều vật trang trí nội ngoại thất, nhiều đồ thờ tự như tượng, bát hương, bình hoa, hoành phi câu đối… xuất hiện tự phát.

Theo quy luật "có cầu thì có cung", khi thị trường đòi hỏi, xuất hiện nhiều phố nghề, làng nghề sản xuất các đồ đó theo mẫu ngoại lai, phần nhiều du nhập từ nước ngoài. Tại nhiều nơi đã xuất hiện đồ sứ thờ tự, tượng đá, tượng gỗ, tượng đất hoặc xi măng mang phong cách nước ngoài ngang nhiên có mặt ở những chốn tâm linh. Đến nhiều đền chùa, chúng ta bắt gặp những con nghê đá, sư tử đá, sản phẩm của một nền văn hóa tôn sùng sức mạnh, dữ tợn, nhe nanh vuốt như đang muốn chồm lên đe dọa, uy hiếp khách thập phương. Vào bên trong đền chùa, gặp những song bình, độc bình Giang Tây xanh đỏ với những rồng phượng kiêu sa quyền quý, những bức tượng không gần gũi với truyền thống Việt Nam…

Dĩ nhiên, loại bỏ một hiện vật đã được thành tâm cung tiến; xóa sổ một làng nghề chuyên làm tượng gỗ, tượng đá… không phải dễ dàng. Có những nơi vì chủ trương này, hàng trăm thợ lành nghề phải đào tạo nghề lại, hàng trăm hợp đồng bị bỏ dở, hàng nghìn tượng thành phẩm bị ứ đọng. Nhưng chỉ vì điều ấy mà không kiên quyết loại bỏ các vật mang văn hóa ngoại lai ra khỏi các di tích là không nên. Nương nhẹ cái này thì phải nương nhẹ cái khác, mà chúng ta biết rằng trong bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích còn rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Cách đây hơn chục năm, Chính phủ cấm pháo nổ. Thay đổi một tập quán, đảo lộn nghề nghiệp truyền thống của hàng chục làng, đổi công ăn việc làm của hàng nghìn hộ gia đình, ta còn làm được huống chi bây giờ.

Hãy nghĩ đến hàng trăm năm sau, lịch sử và văn hóa sẽ sai lạc thế nào khi vào đền chùa hay khảo cổ trong lòng đất, con cháu ta gặp nghê đá, sư tử đá, đồ đồng, đồ gốm sứ… nước ngoài. Vậy thì không nên bàn xuôi bàn ngược nữa. Bản sắc văn hóa là những gì rất khó nhưng đồng thời cũng rất dễ nhận ra. Hãy ủng hộ một chủ trương đúng cho hôm nay và cho cả nghìn năm sau.

Vũ Duy Thông