Khởi động Dự án phát triển TP với sự tham gia của cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 13:12, 13/01/2015
Dự án sẽ kéo dài trong 2 năm và được thực hiện tại 2 TP chính là Quy Nhơn, Tam Kỳ cùng với các TP mạng lưới Bến Tre, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên và Việt Trì. Dự án còn có sự hỗ trợ thực hiện từ Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP).
CDS được xem là một cơ chế lập quy hoạch tập trung vào tính tự chủ của địa phương, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan; được thiết kế để lồng ghép các quy hoạch hiện có một cách tốt hơn, gắn liền với việc xây dựng kế hoạch đầu tư đa ngành. Đó cũng là chiến lược phát triển thành phố toàn diện hơn nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Một góc TP Quy Nhơn. Ảnh minh họa từ Internet. |
Từ năm 2008, cùng với UN-Habitat trong việc thúc đẩy quy hoạch chiến lược, Hiệp hội đô thị Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận dựa vào cộng đồng vào một số dự án thực hiện tại các TP thành viên. Cách tiếp cận này tạo điều kiện cho các cộng đồng nghèo có thể chủ động hơn trong việc hợp tác với chính quyền địa phương để thúc đẩy quá trình giảm nghèo đô thị thông qua mạng lưới Quỹ phát triển cộng đồng (CDF). Các đặc điểm chính của Quỹ CDF là có sự tự nguyện tham gia của các cộng đồng nghèo đô thị vào việc quản lý các nhóm tiết kiệm cộng đồng; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các tổ chức khác nhau để huy động nguồn tài trợ cho giảm nghèo đô thị hoạt động thông qua việc thiết lập và quản lý cơ chế CDF cấp TP.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat cho biết: “Việc thúc đẩy cách tiếp cận CDS tập trung vào sức bật của cộng đồng là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững và công bằng của các TP tại Việt Nam. Khi dự án gắn chặt với mạng lưới hoạt động CDF sẽ đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là người nghèo đô thị và những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình quy hoạch và ra quyết định”.
Kết quả mong đợi của dự án là sẽ xây dựng chiến lược phát triển TP với sự tham gia của cộng động cho TP Quy Nhơn và Tam Kỳ; nâng cao nhận thức và năng lực để nhân rộng cách tiếp cận này tại 5 TP mạng lưới. Mục tiêu lâu dài của dự án là hướng tới thể chế hoá và mở rộng áp dụng mô hình này tại các TP trên cả nước.