Những góc nhìn khác về CPI
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 13/01/2015
Không nên quá lạc quan
Tại hội thảo "Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) vừa tổ chức tại Hà Nội, TS.Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng: Mức tăng CPI thấp là thông tin khá bất ngờ so với các dự báo của nhiều tổ chức và chuyên gia. Hầu như các dự báo đầu năm đều cho rằng, CPI năm 2014 sẽ ở mức khoảng 6-7%, gần với con số Chính phủ dự kiến là 7%.
Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại Siêu thị Tây Đô. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo ông Ngô Trí Long, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp là tin vui bởi theo lý thuyết kinh tế thị trường, lạm phát là một thứ thuế vô hình. Người dân có thu nhập càng thấp thì khi lạm phát cao sẽ chịu thiệt nhiều hơn. Để ổn định kinh tế vĩ mô, về lý thuyết có 3 trụ cột quan trọng: kiểm soát lạm phát, thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái và giải quyết công ăn việc làm. Kiểm soát lạm phát thành công sẽ tạo trụ cột quan trọng nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái ổn định, từ đó tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, kéo theo tạo ra nhiều công ăn việc làm. Đặc biệt, lạm phát thấp sẽ khiến các nhà đầu tư, nhà sản xuất kinh doanh gia tăng niềm tin, từ đó tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Ngô Thị Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) bổ sung: Dù vậy, cũng không thể quá lạc quan, bởi khi nhìn ra các nước quanh chúng ta, chỉ số CPI của Việt Nam vẫn còn cao hơn. Phải tìm lời giải vì sao cùng phụ thuộc vào giá thế giới, cùng điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, nhưng trong khu vực, biến động giá cả của Việt Nam vẫn cao hơn các quốc gia lân cận.
CPI dao động quanh ngưỡng 2-3%?
Những kết quả khả quan trong kiềm chế lạm phát đã khiến các chuyên gia lạc quan dự báo, giá cả một số sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước sẽ không biến động lớn trong năm 2015, dự kiến, CPI năm 2015 sẽ tiếp tục dao động ở mức thấp trong khoảng 2-3%. Mức lạm phát này dự kiến còn kéo dài trong một số năm và nhiều khả năng trong cả giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, nếu quá chú trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát, dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung cầu hàng hóa, tạo ra lạm phát thiếu cung. Lạm phát quá thấp sẽ "gặm nhấm" doanh số và nguồn thu thuế, cản trở việc tăng lương, gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí gây ra tình trạng suy giảm kinh tế. Cần tập trung kiểm soát lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới, bởi nền kinh tế Việt Nam có đặc thù riêng. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội đặt ra cho năm 2015 là dưới 5%. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố sẽ tác động đến lạm phát năm nay. Bởi nền kinh tế toàn cầu dự kiến tiếp tục khó khăn, giá dầu thô có xu hướng giảm mạnh nhưng nếu các yếu tố này tăng trở lại sẽ lập tức gây áp lực cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong năm qua sẽ tạo dư địa lớn cho các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính tiền tệ, qua đó kéo lãi suất giảm xuống. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và hạn chế xuống mức thấp nhất những rủi ro sẽ là bài toán khó.