Cam kết để đấy?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 12/01/2015
Tùy theo mức độ, quy mô dự án, chủ đầu tư có cam kết hoàn trả phần nào diện tích rừng đã mất để phục vụ dự án. Tuy nhiên, thống kê thực tế cho thấy những năm qua, hàng chục nghìn héc ta rừng đã "hy sinh" cho các dự án, song chỉ hơn 3% diện tích ấy được trồng lại.
Cụ thể, theo các ngành chức năng, từ năm 2006 đến nay có 2.320 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng lại với diện tích hơn 76.000ha, nhưng đến cuối năm 2013, tổng diện tích được trồng lại chỉ khoảng 2.540ha. Không ít giải pháp mạnh được áp dụng để buộc các cơ quan hữu trách thực hiện cam kết như cảnh báo rút giấy phép hoặc không mua điện của các dự án thủy điện chây ỳ, cố tình không trồng lại rừng theo nghĩa vụ….
Quy định là vậy, cam kết là vậy, nhưng rõ ràng tại không ít dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ quan tâm tới quyền lợi mà bỏ qua trách nhiệm đối với xã hội.
Rừng là quần thể sinh học, chủ yếu là các loại cây cỏ, với hệ động thực vật hoàn chỉnh và có tác dụng chủ yếu là bảo vệ môi trường, giữ nước để cung cấp cho đời sống tại chỗ cũng như bảo đảm dự trữ nước cho khu vực hạ nguồn. Mất rừng gây sạt lở đất bất ngờ, cạn kiệt nguồn nước ngầm; từ đó sinh ra hạn hán, khiến ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Rừng cũng là nơi cân bằng khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững cho nền kinh tế. Vì vậy, đối xử tàn bạo với rừng là làm hại cộng đồng. Cả thế giới thừa nhận điều này và việc trồng bù diện tích rừng đã mất là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái. Thế nhưng, như đã nói, không ít cam kết đã bị phớt lờ. Ở đây, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, không thể không nhắc tới trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan trong việc kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định và cam kết đã ký. Cam kết rồi không thể để đấy.