Vững vàng nơi đầu sóng

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 12/01/2015

(HNM) -


1. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân ra với Trường Sa đợt này từ khắp các vùng miền của Tổ quốc. Những gương mặt trẻ, sáng ngời hoài bão cùng quyết tâm đem hết sức mình gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Có hai anh em ruột cùng ra đảo lần này là Thiếu úy Nguyễn Hà Hải, tốt nghiệp Học viện Hải quân và Nguyễn Văn Huân thi trượt Học viện Hải quân (chỉ thiếu 0,5 điểm), không để năm sau thi lại mà xung phong ra đảo Trường Sa. Em tâm sự trong niềm tự hào: "Không những em mà những người dân Việt Nam từng ngày, từng giờ đang hướng về Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hôm nay đây em không chỉ được ra đảo mà đã trở thành người lính trực tiếp canh giữ vùng đảo này, mẹ em là cán bộ phụ nữ của Vùng 4 Hải quân nên em và anh em sẽ phải gìn giữ và phát huy truyền thống của lực lượng Hải quân và của gia đình". Chị Đậu Thị Loan là cán bộ của Lữ đoàn 101, lần đầu tiên ra Quân cảng Cam Ranh tiễn chồng ra đảo Thuyền Chài nghẹn ngào tâm sự: "Tổ quốc đang cần các anh, biển đảo đang mong các anh và em thấy tự hào rất nhiều vì chồng em cũng được gánh trọng trách này. Lúc này em chỉ mong chồng em khỏe, yên tâm để cống hiến nhiều cho Trường Sa, vùng đất thiêng liêng và quá đỗi tự hào của Tổ quốc".

Tạm biệt đất liền lên đường bảo vệ Trường Sa. Ảnh: Minh Đức


4 chuyến tàu rời cảng ra với Trường Sa đợt này sớm hơn dự kiến 20 phút và mỗi chuyến rời quân cảng cách nhau chỉ 10 phút. May mắn là con tàu HQ571 đưa tôi ra Trường Sa lần này rời cảng cuối cùng nên tôi có nhiều cung bậc tình cảm của đất liền với Trường Sa. Những tiếng còi tàu chào cảng như thúc giục cán bộ, chiến sĩ khẩn trương vào vị trí. Những cái vẫy tay kèm theo lời chào tạm biệt: "Đi nhé, giữ sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ". Khi con tàu rẽ sóng ra xa, trong tôi trào dâng bao niềm hạnh phúc, niềm tự hào bởi không ai khác mà chính nhà báo chúng tôi là sợi dây liên kết gắn bó giữa đất liền với Trường Sa.

2. Lênh đênh giữa mênh mông là biển trắng, giữa sóng gió biển khơi. Một buổi sáng, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn Công tác tàu HQ571 mời tôi về phòng uống trà, tôi được tiếp cận nhiều hơn với anh em thủy thủ. Trung tá Phạm Xuân Hải, Thuyền trưởng tàu HQ571 tâm sự:

"Tôi rất mừng vì con trai tôi Phạm Quyết Thắng là chiến sĩ cũng ra Trường Sa đợt này. Mừng vì các cháu đã lớn, đã được khoác lên mình tấm áo của lực lượng Hải quân để nâng cao tinh thần trách nhiệm đến nơi đầu sóng ngọn gió gìn giữ chủ quyền biển đảo của quê hương, đất nước". Sau tuần trà, Đại tá Phan Ngọc Quang chia sẻ: "Lời thề danh dự của các chiến sĩ Hải quân "Còn người, còn đảo" như một lời hiệu triệu tất cả cán bộ, chiến sĩ cùng đồng tâm hiệp lực, đứng vững giữa phong ba, bão táp nơi trùng khơi đầu sóng để bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hành trình của chuyến ra Trường Sa lần này qua 6 đảo Trường Sa Đông, Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ để thực hiện nhiệm vụ và cũng để chúc Tết anh em chiến sĩ. Tết ở đất liền có gì thì ngoài đảo cán bộ, chiến sĩ Hải quân có cái đấy, không thiếu thứ gì".

Đảo Trường Sa Đông, nơi đầu tiên đoàn chúng tôi đến được ví như thành phố xanh, lung linh giữa biển cả với những hàng bàng vuông, hàng hoa tra xanh. Trước kia Trường Sa Đông chỉ là đảo đá san hô cằn cỗi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng lòng quyết tâm của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đến nay đảo đã được xây dựng như một thành phố nhỏ. Ngày đầu nước ngọt nơi đây khan hiếm, phải vận chuyển từng bao ni lông, đến nay đảo đã có nhiều bể chứa nước mưa, bể lọc nước ngọt trung hòa. Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, các phòng chiến sĩ đều được trang bị ti vi, đầu thu phát sử dụng quạt gió phát điện và những tấm pin năng lượng mặt trời. Sóng điện thoại, mạng 2G Viettel phủ toàn đảo. Phòng đọc với hơn 5.000 đầu sách, báo các loại. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt, giải trí của cán bộ, chiến sĩ. Trường Sa Đông còn có bệnh xá với bốn y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo và thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ngư dân đánh cá trên biển. Điều đặc biệt hơn là cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn chế tạo lò ấp trứng gia cầm chạy bằng dầu và đảo Trường Sa Đông trở thành đơn vị dẫn đầu trong phong trào chăn nuôi của Lữ đoàn 146.

Không khí của Trường Sa Đông thật rộn ràng, khi có đoàn công tác ra đảo mang theo những gói quà Tết cùng lương thực, thực phẩm... của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Không khí chuẩn bị đón Tết của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa Đông thật ấm cúng, có quất, có đào và cả những câu đối đỏ. Binh nhất Phạm Minh Tiến, quê Quảng Xương, Thanh Hóa tâm sự: "Chị ơi, cây quất này được Ban chỉ huy đảo phân công cho Phân đội 2 thuộc phân đội chiến đấu chăm sóc. Năm ngoái, bạn của Trưởng đảo Ngô Chí Cự tặng Trường Sa Đông cây quất này để đón Tết. Đây là sản vật của đất Bắc nên các chiến sĩ của Phân đội 2 phải thay nhau chăm sóc cẩn thận. Quất sẽ chín vàng và khoe sắc cùng mai vàng vào đúng dịp Tết đấy chị ạ".

Sau thời gian ngắn ngủi trên đảo Trường Sa Đông, đoàn chúng tôi lại bồi hồi chia tay cán bộ, chiến sĩ đảo để tiếp tục chuyến công tác với biết bao cảm xúc vui buồn. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Hải quân và lời bài hát "Giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta" trong khúc quân ca Trường Sa được anh em cất cao trên đảo cứ vang mãi trong tôi.

Hoài Thanh