Gỡ rối cho du lịch
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 12/01/2015
Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, ý thức rõ vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch, Chính phủ đã có Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết ra đời, thể hiện quan điểm của Đảng và Chính phủ về phát triển du lịch, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương có giải pháp, hành động cụ thể, phù hợp để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo đó trong thực tế đời sống. Với một chủ trương lớn, vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện là các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương phải rõ tính đồng bộ, không chồng chéo, hạn chế tối đa hiện tượng vì lợi ích cục bộ mà làm giảm nhịp độ phát triển chung, kế hoạch chi tiết không mâu thuẫn với đường hướng phát triển mang tính tổng thể, lâu dài. Về điểm này, ở Việt Nam hiện còn một số điểm hạn chế, cần có sự khắc phục triệt để.
Cuối năm 2014, đầu năm 2015, các hãng lữ hành nói riêng, ngành du lịch nói chung tỏ ra băn khoăn về hai vấn đề.
Thứ nhất là việc một số điểm đến có tiếng của Việt Nam đã thực hiện việc tăng giá vé tham quan. Mức tăng bao nhiêu không đáng nói bằng cách tăng thế nào. Nhìn chung, các hãng lữ hành kêu rằng sự tăng đột ngột, không theo lộ trình được thông báo trước đã khiến họ không kịp trở tay, đặc biệt là đối với nhóm khách du lịch quốc tế đã đăng ký mua tour của họ trước ngày khởi hành thực tế từ sáu tháng tới một năm. Khi giá vé tham quan tăng, các hãng lữ hành thường không dám đề nghị điều chỉnh giá tour theo hướng tăng thêm đối với nhóm khách này, chủ yếu là để giữ uy tín. Không tăng giá tour đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu thiệt hại dù chiến lược kinh doanh của họ không có "tì vết" gì. Nói họ chịu thua một cách oan uổng có lẽ cũng không quá lời.
Thứ hai chuyện mới xảy ra cách đây ít ngày, khi những quy định mới của Luật Xuất nhập cảnh có liên quan đến thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách du lịch bằng tàu biển chính thức có hiệu lực. So với trước, chiểu theo quy định mới, mỗi khách du lịch tàu biển nhập cảnh vào Việt Nam, dù chỉ là dừng chân tham quan, mua sắm trong ngày rồi lại rời khỏi nước ta thì cũng phải chịu mức lệ phí visa lên tới 45USD. Mức lệ phí nói trên có thể "không là gì" đối với nhóm khách du lịch tàu biển vào Việt Nam thăm thú trong thời gian dài, nhưng có thể gây cảm giác khó chịu cho nhóm khách vào bờ rồi rời đi trong ngày. Đó là chưa tính đến chuyện thủ tục theo quy định mới "ngốn" của khách nhiều thời gian chờ đợi hơn.
Trong hai việc trên - hai điều khiến các hãng lữ hành "kêu giời" trong thời gian gần đây, mới chỉ có sự bất cập thứ hai được cấp có thẩm quyền đưa ra giải pháp tháo gỡ một cách nhanh chóng. Cụ thể là ngày 10-1-2015, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 203/VPCP-KGVX gửi một số bộ, ngành liên quan, qua đó thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong việc đón khách du lịch nước ngoài nói chung và khách du lịch tàu biển nói riêng. Với nhóm khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam bằng tàu biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi quy định về lệ phí cấp thị thực, "trước mắt, trong khi chưa ban hành văn bản mới thì áp dụng mức thu lệ phí thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam bằng tàu biển như mức cấp giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam quy định tại Mục II của Phụ lục Thông tư số 66/2009/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính".
Sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ giúp ngành du lịch đỡ lúng túng trong khâu đón khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam bằng tàu biển, góp phần thực hiện mục tiêu mà ngành đặt ra là trong năm 2015 đón 8,5 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Từ phản ứng nhanh của Chính phủ trong việc nói trên, có thể đặt ra yêu cầu "đẩy nhanh tốc độ phản ứng theo thẩm quyền" của một số địa phương, ngành đối với những vấn đề bất cập liên quan đến phát triển du lịch hiện nay.