Giải thưởng văn học 2014: Chờ đợi gì ở người trẻ?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:49, 11/01/2015
Bên cạnh đó, một số giải thưởng quan trọng đang vào hồi "chung kết" như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2011 - 2014, Giải thưởng của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam... Nhìn lại giải thưởng văn học của năm, ngoài vinh danh đóng góp của cá nhân tác giả còn là để cùng nhìn nhận những điều có ích đối với nền văn học nước nhà.
Trình làng những gương mặt mới
Giải cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 - 2014 được công bố mới đây nhất. Giải cao nhất được trao cho một gương mặt khá mới lạ trên văn đàn - tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, một cây bút ở Ninh Thuận. Cùng với Kim Hòa, hai tác giả đoạt giải nhì là Doãn Dũng của Hà Nội (đã quen thuộc) và tác giả trẻ Đinh Phương (Quảng Ninh). Gương mặt trẻ nhất thành công trong mùa giải này là Cao Nguyệt Nguyên, sinh năm 1990 ở Quảng Ninh.
Nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy bên tác phẩm mới của chị. |
Theo BTC, trong số 70 tác giả có tác phẩm được giới thiệu qua cuộc thi này thì gần một nửa là những cây bút xuất hiện lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chia sẻ với báo giới, các nhà văn thành danh từ ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như Chu Lai, Bảo Ninh (thành viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi truyện ngắn 2013 - 2014) đều bày tỏ niềm vui, tỏ ý bất ngờ đối với "đám trẻ" viết văn. Có thể hiểu được cảm giác của những cây bút tài năng đi trước khi nhìn ra phía sau mình, thấy không phải là khoảng trống mênh mông mà đã thấp thoáng những gương mặt đủ sức hợp thành đội ngũ kế cận. Qua cuộc thi này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn nhìn ra một điều ý nghĩa khác đối với văn nghệ nước nhà, đó là sự hình thành một đội ngũ biên tập viên trẻ sau chiến tranh của Văn nghệ Quân đội. Ở đây, hẳn là nhà thơ Hữu Thỉnh cũng muốn nói đến những cây bút gánh trách nhiệm "bộ lọc" và "đôi mắt xanh" trong cuộc thi này như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú...
Tìm kiếm và vinh danh những gương mặt mới là điều mà bất kỳ BTC cuộc thi nào cũng mong đợi. Tất nhiên, khái niệm này không nên hiểu một cách đơn giản là chỉ có những người chưa từng xuất hiện trên văn đàn, chưa từng được trao giải mới gọi là mới. Tuy vậy, đằng sau sự phát hiện, điều quan trọng là tiếp tục cổ vũ, ghi nhận những cây bút mới nổi nhưng có tài năng, có đam mê gắn bó đường dài với văn chương nhằm tạo nên một đội ngũ viết văn giàu năng lực. Vậy nên, sự xuất hiện của Tống Ngọc Hân (cây bút của Lào Cai sinh năm 1976, từng tạo dấu ấn những năm gần đây) với giải ba của cuộc thi này cho thấy những tín hiệu đáng mừng về sự cần mẫn của người viết...
Bên cạnh cuộc thi truyện ngắn nói trên, Giải thưởng VHNT Thủ đô (2 năm một lần) ghi nhận đóng góp mới của một cây bút quen thuộc là Đỗ Bích Thúy, mảng lý luận phê bình văn học đáng chú ý hơn với sự xuất hiện của hai đại diện là những nhà báo nhiều năm gắn bó với hoạt động phê bình văn học.
Trước đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2014 - một thương hiệu uy tín trong văn giới và cũng tạo được sự chú ý của dư luận - cũng lần đầu tiên chọn được tác giả trẻ để trao giải thưởng - hai cây bút thế hệ 8X là nhà phê bình Đoàn Ánh Dương (sinh năm 1984) và dịch giả Nham Hoa (1982). Nói như Đoàn Ánh Dương, giải thưởng cho tác giả trẻ, ngoài ý nghĩa động viên thì còn thể hiện sự chấp nhận tiếng nói của thế hệ trẻ đối với văn học nước nhà.
Chờ đợi sau giải thưởng
Đến nay, còn một số giải thưởng về văn học hoặc có mục văn học chưa được công bố, đó là Giải thưởng của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng tiểu thuyết lần thứ 3 (2011 - 2014). Với giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, thông tin chưa có gì nhiều ngoài nhận định chung là số lượng và chất lượng tác phẩm gửi về tham dự tăng so với mọi năm (hơn 170 tác phẩm dự thi).
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì ngày 16-1, Hội đồng Giải thưởng sẽ họp phiên cuối cùng, bỏ phiếu xét giải, còn Giải thưởng tiểu thuyết lần thứ 3 sẽ được xét vào cuối tháng 1 này. Còn nhớ, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 đã ghi nhận một cây bút không chuyên, một tác giả bước vào đời văn với đủ nhọc nhằn, trải nghiệm từ đời sống mưu sinh - nhà văn Nguyễn Trí. Bạn đọc đương nhiên sẽ chờ đợi ở mùa giải năm nay của hội những phát hiện mới, cũng như khả năng lan tỏa của giải thưởng nghề nghiệp quan trọng này trong văn giới và đời sống văn học cả nước.
Có thể nói, 2014 là năm mà những cây viết trẻ gặt hái được nhiều thành quả. Không chỉ có nhiều người viết trẻ, vấn đề quan trọng là đề tài sáng tác cho thấy sự tự tin của lớp tác giả mới khi dám đi vào những vùng hiện thực "khó xử lý". Song, đúng như một nhà văn 8X nhận định, là người viết trẻ không có nghĩa câu chuyện của họ viết ra đã có chất "trẻ", chất "mới" và giải thưởng không khẳng định đời văn của ai. Thực tế, đã có những tác giả trẻ từng được trao giải nhưng "một đi không trở lại". Hay, nói như nhà văn Tống Ngọc Hân thì có nhiều điều quý hơn giải thưởng, như những trải nghiệm nghề viết khi dự thi, như những rung cảm trước tác phẩm của bạn văn cho dù họ chưa được giải...
Vì vậy, ngoài việc chờ xem những kết quả của một số giải chưa được công bố, chúng ta chờ mong được thấy ngày càng nhiều nhà văn không bỏ cuộc, luôn có tác phẩm hay.