Bạo lực giới trong trường học: Không thể coi thường!
Giáo dục - Ngày đăng : 06:45, 11/01/2015
Nghiên cứu về thực trạng bạo lực giới trong trường học là một hoạt động quan trọng nhằm cung cấp dữ liệu phục vụ cho quá trình triển khai dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" đang triển khai thí điểm tại 20 trường phổ thông của Hà Nội. Đây là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội, Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2015 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.
Kết quả khảo sát thực trạng bạo lực giới trong trường học tại Hà Nội được thực hiện trong thời gian 6 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 9-2014) với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy, bạo lực giới trong trường học đang là một rào cản không nhỏ đối với sự phát triển toàn diện cũng như việc tham gia các hoạt động giáo dục của học sinh, nhất là học sinh nữ. Điều đáng chú ý là bạo lực thân thể hiện diễn ra khá phổ biến ở các nhà trường THCS - với 38% số học sinh được hỏi, tỷ lệ này ở trường THPT là 20,6%. Học sinh nữ cấp THCS bị bạo lực thân thể ở trường hoặc trên đường đến trường và về nhà nhiều hơn so với học sinh nam, với các tỷ lệ 31% (với số nữ được hỏi) và 27,5% (với nam). Thế nhưng, chỉ những học sinh nam mới báo cáo hoặc cung cấp thông tin cho bố mẹ, thầy cô về việc mình bị bạo lực, hầu hết học sinh nữ chọn cách im lặng.
Lễ ký kết giữa Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan về triển khai dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. |
Các trường THCS cũng là nơi có tỷ lệ bạo lực tinh thần nhiều hơn so với các trường THPT. Theo kết quả khảo sát nói trên, số học sinh THPT bị bạo lực tinh thần trên đường đến trường và về nhà là 23,5%, trong khi tỷ lệ này ở học sinh THCS là xấp xỉ 30%. Rõ ràng, bạo lực giới trong trường học đang là một vấn đề gây quan ngại. Không ít giáo viên, phụ huynh vẫn coi đây là "chuyện trẻ con" không đáng bận tâm. Nhưng kết quả điều tra với "những con số biết nói" trên chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bạo lực giới trong trường học.
Khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, có rất ít chương trình can thiệp bạo lực giới trong trường học ở Việt Nam. Đáng chú ý là đến thời điểm này, chưa có chương trình nào đưa ra được biện pháp giải quyết vấn đề một cách hệ thống, khoa học trên quy mô lớn đối với vấn đề bạo lực giới trong trường học. Các chương trình thực hiện ở trường học mới chỉ tập trung vào việc giảm sử dụng các hình phạt bạo lực, chưa giải quyết được các vấn đề về bạo lực liên quan đến giới hoặc bạo lực đồng lứa. Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" được khởi nguồn từ thực trạng trên, với mong muốn trang bị cho mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh những kiến thức cần thiết để nhận thức đúng về tình trạng bạo lực giới trong trường học, từ đó tạo chuyển biến trong ý thức, hành động về vấn đề này. Mục tiêu lâu dài của dự án nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa học sinh nam và học sinh nữ, đem đến những điều kiện tốt nhất để các em được học tập, rèn luyện có chất lượng, hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.