Phép thử của điện ảnh tài liệu
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 11/01/2015
Việt Linh, nữ đạo diễn hiện sống tại Pháp đã dành riêng một bài viết cho "Chuyến đi của chị Phụng" trong cuốn tạp văn mới ra mắt cuối năm 2014 của bà. Nói thế để thấy, trước khi đến với khán giả, phim đã có những ưu thế nhất định từ các sự kiện điện ảnh và của giới chuyên môn. Và, một phần không thể chối bỏ được là đề tài nhạy cảm này cũng đã thu hút một lượng lớn công chúng đến xem bởi sự tò mò.
Dù vậy thì trong bối cảnh điện ảnh tài liệu thường lép vế trước phim truyện điện ảnh, hiện tượng này tạo nên cảm hứng nhất định trong đời sống nghệ thuật thứ bảy. Người ta sẽ tự hỏi 17 bộ phim tài liệu mà Hãng Phim tài liệu và khoa học TƯ sản xuất trong năm qua đã có thể gây được tiếng vang trong đời sống? Việt Nam có những gương mặt làm phim tài liệu trẻ sáng tạo và tâm huyết nhưng cần làm gì để hỗ trợ họ trong việc quảng bá, phát hành phim?
Còn một khía cạnh khác rất được chú ý từ câu chuyện trong "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" là chất hiện thực của tài liệu và chất nghệ thuật sẽ được khai thác thế nào để có thể chạm tới trái tim người xem. Với bộ phim này, có người thỏa mãn vì cảm giác dấn thân khi người đạo diễn "sống" gần gũi giữa gánh hát của người chuyển giới để ghi lại những hình ảnh chân thực, nhưng cũng có khán giả chưa hài lòng với những tìm tòi, thể hiện nghệ thuật.
Còn nhớ, phim "Công binh, đêm dài Đông Dương" của đạo diễn Pháp gốc Việt Lê Lâm (Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 - tháng 11 năm 2014) đã thành công bằng chính yếu tố nghệ thuật. Trong đó, ấn tượng nhất là những đoạn phim sử dụng nhân vật trong rối nước Việt Nam để tái hiện đời sống, tâm tư, bối cảnh người dân khi con cái họ bị bắt sang Pháp làm lính thợ...
Trở lại với "Chị Phụng", chuyện một bộ phim tài liệu cháy vé là đáng mừng, nhưng chúng ta còn cần hơn một nền điện ảnh tài liệu luôn tạo nên hiện tượng “cháy vé” như vậy!