Nỗi ám ảnh toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 11/01/2015
Nỗi kinh hoàng từ vụ thảm sát nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo nằm ngay ở thủ đô Paris chưa lắng xuống thì nước Pháp lại tiếp tục chấn động bởi hai vụ bắt cóc con tin liên tiếp, trong đó có một vụ do hai nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở tòa báo Charlie Hebdo thực hiện. 17 thường dân đã thiệt mạng trong vòng 3 ngày tại trái tim của nước Pháp cho thấy mức độ nguy hiểm của các hành động khủng bố kiểu mới cũng như sự táo tợn của những phần tử khủng bố mang hộ chiếu Châu Âu.
Các lực lượng an ninh của Pháp được tăng cường khắp nơi sau khi xảy ra khủng bố và bắt cóc con tin tại Paris. |
Giữa lúc mối lo ngại đó đang dâng cao, một nhân vật cấp cao chuyên trách lĩnh vực luật Hồi giáo của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda trên bán đảo Arabia (AQAP) tại Yemen vừa lên tiếng đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới tại Pháp. Với tuyên bố hùng hồn: "Tốt hơn hết là các người hãy chấm dứt hành động gây hấn chống người Hồi giáo, khi ấy có thể sẽ sống an toàn", đoạn băng video vừa phát đi trên mạng do nhân vật cấp cao có tên là Harith al-Nadhari thực hiện đã khiến dư luận Pháp quan ngại. Còn tại quốc gia láng giềng Đức, một nhóm gồm khoảng 50 đối tượng trùm kín mặt vừa tấn công một đồn cảnh sát ở khu vực Connewitz thuộc thành phố Leipzig và phóng hỏa đốt cháy một xe tuần tra. Tuy nhiên, đây được coi là vụ tấn công mang động cơ chính trị.
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố và các vụ bắt cóc con tin tại Paris, Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) đã triển khai kế hoạch an ninh đặc biệt với các biện pháp khẩn cấp đề phòng nguy cơ khủng bố trên nước Đức. Theo đó, BKA đã đưa ra hướng dẫn khẩn cấp đối với các đơn vị cảnh sát ở cấp liên bang và tiểu bang nhằm phát hiện và ngăn chặn các đối tượng tình nghi hoặc các "nhân vật liên quan" trong thời gian sớm nhất có thể. Các biện pháp được triển khai, bao gồm: Giám sát liên lạc điện thoại, theo dõi hoặc dựa vào các nguồn tin để nắm bắt hoạt động của các đối tượng tình nghi. BKA cũng thừa nhận rằng, dù vụ khủng bố ở Paris không tác động trực tiếp tới an ninh của Đức, song có thể ảnh hưởng tới tâm lý của những đối tượng quá khích cực đoan đang cư trú tại nước này. Vì thế, BKA lo ngại một vụ khủng bố tương tự như ở Paris có thể xảy ra ở bất kỳ thành phố nào ở Châu Âu.
Nhận định trên có cơ sở khi Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5) vừa thừa nhận nguy cơ xảy ra vụ khủng bố kiểu Paris ở xứ Sương mù là hoàn toàn có thể. Nhiều kế hoạch và nỗ lực từ chính phủ, lực lượng cảnh sát cho tới các cơ quan an ninh đang được triển khai nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ tấn công. Chính phủ Anh vừa chi bổ sung hơn 100 triệu bảng cho hoạt động theo dõi những đối tượng có khả năng tham gia các cuộc xung đột ở Iraq và Syria, những kẻ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan từ internet và muốn gây tội ác điên cuồng. Trong khi đó, Thủ tướng Italia Matteo Renzi kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) thành lập cơ quan tình báo của cả khối nhằm hướng tới một hệ thống an ninh và tình báo chung để đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Nguy cơ khủng bố không dừng lại ở Châu Âu mà đang lan rộng sang nhiều nước trên thế giới. Để đối phó với thách thức sau khi xảy ra khủng bố tại nhiều nước như Canada, Australia, Pháp… Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã ban bố cảnh báo đi lại trên quy mô toàn cầu. Theo nhận định của cơ quan này, các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và phương Tây - vốn được coi là hệ quả của việc Mỹ đứng đầu liên minh quốc tế tiến hành các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Theo ước tính của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong năm 2014, khoảng 15.000 người nước ngoài đã tham gia chiến đấu cùng IS và nhiều nhóm vũ trang cực đoan khác tại Trung Đông.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy nửa tháng đầu năm mới 2015, thế giới đã chứng kiến những mất mát và nguy cơ khủng khiếp mà chủ nghĩa khủng bố đem đến cho nhân loại. Không còn là những lời cảnh báo xa xôi, hiểm họa khủng bố từ chính những công dân của mình đang đe dọa nhiều quốc gia phương Tây. Đây là những thách thức an ninh nghiêm trọng và chủ nghĩa khủng bố sẽ còn là nỗi ám ảnh nếu các quốc gia không gạt bỏ được những xung đột lợi ích, mâu thuẫn sắc tộc để cùng "đồng tâm hiệp lực" đối phó với mối đe dọa chung.
Ngày 10-1, hàng chục nghìn người đã tổ chức các cuộc tuần hành trên khắp nước Pháp sau 3 ngày diễn ra các thảm kịch đẫm máu làm 17 người thiệt mạng. Theo con số ban đầu của cảnh sát, ít nhất 30.000 người đã tham gia một cuộc tuần hành trong yên lặng ở thành phố Pau, miền Nam nước Pháp và hơn 22.000 người tập trung ở Orleans, phía Tây nam thủ đô Paris. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết nước này sẽ triển khai thêm khoảng 500 quân nhân ở vùng Paris để bảo đảm an ninh. |