Sinh viên lần đầu sắm vai đại biểu Quốc hội họp giải trình
Giáo dục - Ngày đăng : 19:51, 10/01/2015
Sáng 10/1, Văn phòng Quốc hội kết hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội, Đại sứ quán Anh và một số trường ĐH ở Hà Nội tổ chức cho hơn 50 sinh viên tham gia mô hình phiên họp giải trình của Quốc hội. Đây là hoạt động trong chuỗi dự án "Nghị sĩ trẻ" của Văn phòng Quốc hội. Các bạn trẻ được vào vai lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội, những bộ trưởng có liên quan và đại biểu Quốc hội cùng thảo luận về chính sách pháp luật về việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Mở đầu phiên giải trình, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội do sinh viên ĐH Luật Hà Nội Lê Thị Hồng Hạnh sắm vai đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chính sách pháp luật về việc làm đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cùng bộ trưởng GD&ĐT, Nội vụ, Bộ Tài chính... đều do các sinh viên ĐH Luật Hà Nội, Viện ĐH Mở, Học viện Báo chí và tuyên truyền... thủ vai, đã trả lời chất vấn của đại biểu.
Nội dung chất vấn xoay quanh trách nhiệm của các Bộ thế nào trước tình trạng tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao, hoặc đi làm trái ngành nghề; Chính sách với các học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề; Cơ chế tuyển dụng lao động tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; Cải cách chính sách tài chính hỗ trợ giải quyết việc làm cho các kỹ sư, cử nhân trẻ...
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng phiên họp giải trình và dự án Nghị sĩ trẻ sẽ giúp ích lớn trong việc tuyên truyền về Quốc hội, thúc đẩy sự tham gia tích cực của xã hội vào việc làm chính sách pháp luật, đồng thời chuẩn bị đội ngũ nghị sĩ trẻ tài năng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên có một mô hình phiên họp giải trình của Quốc hội với sự tham gia của sinh viên. Nó có ý nghĩa rất lớn trong việc truyền thông về hoạt động của Quốc hội, thúc đẩy tính tích cực chính trị của người dân để đóng góp cho việc đưa ra các chính sách pháp luật có tính thiết thực, đặc biệt chuẩn bị thế hệ nghị sĩ trẻ có hiểu biết, tài năng.
"Các sinh viên khi có hiểu biết về chính trị và các kỹ năng hoạt động ở cấp cao, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ chất lượng, nền quản trị quốc gia tốt hơn, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Là người dẫn dắt những vấn đề cơ bản cho sinh viên thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá: "Những sinh viên tham gia phiên giải trình hôm nay vào vai rất đạt, như cuộc làm việc thật sự của Ủy ban chúng tôi. Các em rất tự tin, đĩnh đạc khi báo cáo đánh giá tình hình, trả lời chất vấn, đưa ra nguyên nhân, giải pháp... Thành công của hội nghị này khiến chúng tôi tin tưởng vào thế hệ nghị sĩ tương lai sẽ thông minh và tài năng", ông Lợi nói.
Mô hình phiên làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã gây được hứng thú lớn cho sinh viên. Nguyễn Đức (22 tuổi), cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, từ bé và suốt thời gian học ĐH, em vẫn ước trở thành chính khách nhưng không biết phải làm gì và hoạt động của họ ra sao. "Chương trình hôm nay đã giúp em biết một phiên giải trình diễn ra thế nào, trọng trách của các đại biểu, nghị sĩ là gì, từ đó tạo định hướng cho thực hiện ước mơ", Đức nói.
Lê Thị Hồng Hạnh, sinh viên năm cuối ĐH Luật Hà Nội (vai Bộ trưởng Lao động) thì cho rằng, phiên giải trình hôm nay đã thực tế hóa những kiến thức về bộ máy hoạt động của Nhà nước mà em được học trong trường. "Việc tìm tư liệu làm báo cáo rồi trình bày trước các đại biểu với vai trò Bộ trưởng cung cấp cho em thêm nhiều kiến thức, sự tự tin và phần nào định đướng được nghề nghiệp sau này, biết đâu có thể trở thành chính trị gia", Hạnh cười nói.
Nữ sinh trường Luật này cũng chia sẻ thêm, việc vào vai Bộ trưởng phải trả lời chất vấn khiến em phần nào thông cảm hơn cho các chính trị gia khi họ luôn là người đầu tiên bị xã hội truy cứu trách nhiệm trước các vấn đề. Đây cũng là dịp để em và các bạn trẻ khác nói lên quan điểm, ý kiến của mình về tình trạng thất nghiệp và các chính sách của Nhà nước về việc làm cho sinh viên.
Hạnh và Đức chia sẻ, cũng như nhiều bạn trẻ khác, các em đang đối mặt với nỗi lo về đầu ra khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp quá lớn. Dù cho rằng một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này nằm ở chính các sinh viên, nhưng Đức, Hạnh vẫn mong Nhà nước có chính sách về việc làm đối với sinh viên, sát với thực tiễn hơn như dự tính chính xác hơn nhu cầu tại các lĩnh vực. Đồng thời, có các chính sách liên kết hiệu quả giữa nhà trường, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, cả nước hiện có 1,3 triệu người thất nghiệp, trong đó có 176.000 là sinh viên đã tốt nghiệp các ĐH, CĐ. Việt Nam cũng bị đánh giá là một trong những nước có năng suất lao động gần như thấp nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. "Đây là hai thách thức lớn đặt ra cho chúng ta, nếu không xử lý được sẽ không giải quyết được vấn đề đời sống, nghèo đói và năng suất lao động", ông Lợi nói.