Khuyến khích áp dụng thương mại điện tử

Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 10/01/2015

(HNM) - Thương mại điện tử (TMĐT) vốn là một phương thức mua bán tiện dụng, mặc dù ra đời sau các hình thức thương mại khác nhưng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, ý kiến về vấn đề này còn chưa nhất quán, nhất là xét từ phía khách hàng.

- Ông cho biết vai trò, tầm quan trọng của TMĐT đối với các cơ sở bán lẻ, siêu thị, cũng như thực trạng hoạt động của TMĐT hiện nay?

- Có thể khẳng định, ngày nay TMĐT có một vị trí quan trọng trong sự phát triển KT-XH. Nó thúc đẩy giao dịch thương mại, tạo ra cơ hội sản xuất, kinh doanh và mua sắm. Trong 10 năm qua, nó đã thâm nhập rất nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao trùm lên nhiều loại hàng hóa, diễn ra nhiều nhất tại các đô thị lớn, điển hình như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, phương thức mua và bán hàng thông qua internet đã góp phần vào việc trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, với các đặc điểm vượt trội hơn là: nhanh chóng, thuận tiện, bí mật và có thể phục vụ liên tục. Từ đó, TMĐT mang lại sự tiết kiệm quỹ thời gian cho cả hai bên mua và bán hàng hóa trên thị trường. Tương lai của TMĐT là vô cùng to lớn ở thị trường nước ta.

Một website bán hàng.



Theo thống kê sơ bộ, giá trị giao dịch TMĐT ở Việt Nam đạt khoảng 700 triệu USD trong năm 2013 và dự kiến đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thật sát với thực tế, bởi giao dịch thương mại ở Việt Nam chủ yếu thông qua thanh toán tiền mặt, nhất là giao dịch bán lẻ. Theo tôi, tuy có nhiều cơ hội phát triển song TMĐT ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Trước hết, cơ sở hạ tầng (gồm phần cứng và phần mềm) cho sự phát triển còn hạn chế về tốc độ giao dịch, độ bảo mật, sự thuận tiện trong quản lý và phát triển chiều sâu. Tiếp theo, thói quen mua sắm trực tiếp ở các cửa hàng, siêu thị ở Việt Nam còn khá nặng nề đối với người tiêu dùng, họ chưa quen với phương thức mua sắm trực tuyến. Hiện nay, đối tượng sử dụng TMĐT chủ yếu là giới công chức và thanh niên. Thương hiệu nhà cung cấp cũng là một rào cản bởi khách hàng vẫn có tâm lý e ngại khi chỉ nhìn hàng trên màn hình trước khi quyết định mua hàng qua mạng. Cuối cùng là vấn đề có liên quan đến hàng hóa vì người mua có thể khó lựa chọn, đoán định về giá và chất lượng của hàng hóa. Mặt khác, tính công khai, minh bạch của hoạt động TMĐT còn thấp. Kỷ cương pháp luật chưa được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc khiến không ít người sử dụng TMĐT gặp phải trục trặc, thậm chí bị thiệt hại.

- Vậy khách hàng được lợi gì khi sử dụng TMĐT?

- TMĐT mang lại những lợi ích cơ bản cho khách hàng như: mua sắm nhanh, không mất chi phí đi lại, đáp ứng kịp thời các nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của cá nhân và từng gia đình. Hiện nay, 70% người mua hàng trực tuyến áp dụng hình thức là nhận hàng và sau đó thanh toán tiền cho người bán hàng trực tiếp tại nhà. Như vậy, họ có thể ngồi tại chỗ và nhận hàng, không phải di chuyển và hầu như không phụ thuộc vào thời điểm nào để mua hàng như đi mua bán ngoài chợ. Đặc biệt, khách hàng có điều kiện xem xét, so sánh về giá cả, kiểu dáng và chất lượng hàng hóa ngay trên màn hình một cách đầy đủ trước khi quyết định mua hàng.

- Thực tế cho thấy khách hàng còn phàn nàn về TMĐT, thậm chí thiếu lòng tin, ông có nhận xét gì về vấn đề này? Các bên liên quan cần làm gì để khắc phục?

- Đúng là còn có những hiện tượng bán hàng qua mạng mang tính chất lợi nhuận đơn thuần, lừa dối khách hàng về giá cả và chất lượng hàng hóa. Song, số vụ việc vi phạm cũng không phải là lớn, nhưng cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nền văn minh thương mại là phải bảo đảm những giao dịch lành mạnh, đúng hàng, đúng giá và triệt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước hết, điều này đòi hỏi ở các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, TMĐT nói riêng ở nước ta sự nỗ lực, vào cuộc liên tục. Tiếp đến là sự cố gắng của các doanh nghiệp có kinh doanh TMĐT trên tinh thần cầu thị, tự giác vì khách hàng và làm ăn nghiêm túc. Còn về phía khách hàng, mỗi người cần có sự tỉnh táo, chủ động phát hiện hiện tượng tiêu cực khi giao dịch mua sắm qua mạng để có hướng xử lý kịp thời, thỏa đáng.

Mục đích cuối cùng là bảo vệ các đơn vị hoạt động TMĐT làm ăn nghiêm túc, loại bỏ dần những tổ chức, cá nhân kinh doanh trái pháp luật hoặc vi phạm pháp luật thương mại Việt Nam.

- Ông có thể dự báo về sự phát triển của TMĐT trong thời gian tới?

- Theo tôi, trong 5 năm tới (2015-2020) TMĐT sẽ có nhiều bước phát triển mới, với điều kiện phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch, nghiêm minh của hoạt động này ở nước ta. Các chuyên gia dự báo, tốc độ phát triển của các DN tham gia bán hàng trực tuyến sẽ tăng 10-15%/năm. Đó là con số khá ấn tượng nếu làm tốt công tác quản lý TMĐT kết hợp sự quan tâm của cộng đồng khách hàng.

Hiện tại, với số lượng cá nhân sử dụng internet đạt khoảng 1/3 dân số, trong đó có khoảng 3 triệu người mua bán qua mạng và tốc độ phát triển như dự kiến trên tôi tin rằng tương lai của TMĐT ở nước ta sẽ phát triển nhanh và vững chắc. Điều đó góp phần vào việc thúc đẩy giao dịch hàng hóa, dịch vụ, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH Việt Nam.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Sơn