Chống quấy rối tình dục từ nâng cao nhận thức của bị hại
Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 10/01/2015
Qua kết quả khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của các tổ chức ActionAid, Plan cho thấy, chỉ 13% số trẻ em gái luôn cảm thấy an toàn tại nơi công cộng. Đáng buồn hơn, 66% phụ nữ và trẻ em gái - người bị hại không có hành động phản ứng lại các hành vi này; 65% nam giới và những người chứng kiến không can thiệp.
Ảnh minh họa |
Là công nhân Công ty TNHH Hoya Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long), Lê Thị Hòa thường xuyên phải làm ca. Mỗi lần làm ca đêm, chị rất sợ phải đi trên đoạn đường từ bến xe buýt đến nhà máy một mình. Hệ thống đèn điện chiếu sáng tù mù, chỗ có chỗ không khiến đoạn đường trở thành nơi tụ tập của đám thanh niên xấu. Chị đã không ít lần bị chúng chọc ghẹo, sàm sỡ mà không biết làm gì nên mỗi lần phải qua đoạn đường "đau khổ" trên, Hòa rất căng thẳng. Không riêng các nữ công nhân, nhiều học sinh, sinh viên nữ cũng là nạn nhân bị quấy rối tình dục. Tại các bến xe công cộng, trên xe buýt đông người, các khu vực, các đoạn đường vắng người qua lại, thiếu ánh sáng… phụ nữ và trẻ em gái thường bị lợi dụng áp sát vào người, sờ soạng, hoặc nhìn chằm chằm vào cơ thể... Dù lo lắng, sợ hãi, nhưng Hòa cũng như nhiều phụ nữ khác thường chỉ tìm cách tránh những điểm tiềm tàng nhiều đe dọa mà không tìm cách chống trả lại những kẻ bỉ ổi, có hành vi vô đạo đức. Biết được tâm lý sợ hãi, không dám phản ứng, chống trả của chị em, bọn xấu càng làm càn, nhiều khi chỉ một kẻ cũng dám có hành động xúc phạm, quấy rối tình dục phụ nữ hoặc trẻ em gái qua đường.
Thực tế cho thấy, các hành vi quấy rối tình dục thường xảy ra nhanh, khó có được bằng chứng. Những người chứng kiến nghĩ rằng sự việc chưa đủ mức nghiêm trọng để tố cáo nên không can thiệp, ngăn chặn. Quan trọng hơn, phần lớn nạn nhân hoặc người chứng kiến tỏ ra thiếu tin tưởng vào các lực lượng chức năng, cho rằng khai báo với CA về các hành vi quấy rối tình dục cũng ích gì, chưa kể các thủ tục khai báo rườm rà, mất thời gian. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ và trẻ em gái còn cảm thấy xấu hổ, sợ bị cộng đồng kỳ thị nếu họ khai báo bị quấy rối tình dục. Thậm chí nhiều người khi biết chuyện thường quy chụp, đổ lỗi cho nạn nhân rằng, chắc phải có hành vi sai trái, ăn mặc hở hang nên mới bị đàn ông quấy rối tình dục… Vì các lý do trên nên chỉ có 1,9% phụ nữ được hỏi trả lời họ sẽ trình báo CA khi bị quấy rối tình dục. Nhận thức và cách ứng xử này đã vô tình dung dưỡng cho những kẻ xấu tiếp tục những hành vi sai trái.
Nhiều năm hỗ trợ phụ nữ di cư, những người phải đối mặt nhiều nhất với nạn quấy rối tình dục trên đường phố, Ths-BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng Light cho biết, thực tế cho thấy, việc chị em hiểu và được nâng cao năng lực tự bảo vệ mình có hiệu quả hơn nhiều so với việc tìm cách tránh né những kẻ quấy rối tình dục. Nhưng quan trọng hơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo môi trường cộng đồng lành mạnh; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; lên án và xử lý thích đáng những kẻ có hành vi quấy rối tình dục. Việc nâng cao nhận thức, năng lực tự bảo vệ cần được giáo dục trong gia đình, nhà trường từ sớm, giúp phụ nữ và trẻ em gái hiểu về quyền được an toàn, tự do của mình, đủ năng lực và biết cách tìm sự hỗ trợ để chống trả, giải quyết hiệu quả nạn quấy rối tình dục.
Mới đây, Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục tại các bến xe, nhà chờ và trên xe buýt. TP Hà Nội đã giao Sở GTVT, CATP và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều tra, khảo sát để xác định các điểm, tuyến giao thông công cộng, các đoạn đường thường xuyên xảy ra hiện tượng quấy rối tình dục để có biện pháp cảnh báo, tăng cường chiếu sáng công cộng, ngăn ngừa. Với những nỗ lực này, hy vọng rằng không lâu nữa, phụ nữ và trẻ em gái sẽ có đủ năng lực đối phó, được cộng đồng và xã hội hỗ trợ phòng chống hiệu quả với nạn quấy rối tình dục.