Quyền lợi người lao động đã được quan tâm thỏa đáng?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:12, 08/01/2015

(HNM) - Chỉ vài năm sau khi được sáp nhập vào Công ty TNHH một thành viên Dệt 19-5, hàng loạt công nhân làm việc tại Nhà máy Dệt Minh Khai đã làm đơn xin nghỉ việc. Mặc dù nhiều công nhân đã được giải quyết chế độ theo quy định, vậy nhưng gần đây nhất vẫn có 31 người của công ty gửi đơn


"Treo" quyền lợi bảo hiểm?

Trong đơn gửi tới Báo Hànộimới, 31 người lao động (NLĐ) thuộc Nhà máy Dệt Minh Khai trước đây trình bày, từ tháng 3-2011 Nhà máy Dệt Minh Khai được sáp nhập với Công ty Dệt 19-5. Đến tháng 8-2014, những công nhân này có đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động gửi Công ty Dệt 19-5. Vậy nhưng, sau khi hết thời gian giải quyết chế độ cho NLĐ xin nghỉ việc theo quy định, 31 người vẫn không hề nhận được hồi âm của lãnh đạo công ty.

Trước sự tác động của cơ quan chức năng, ngày 26-11-2014, Công ty Dệt 19-5 mới tổ chức cuộc họp với 31 công nhân cùng sự tham gia của Sở LĐ, TB&XH Hà Nội và Công đoàn ngành dệt may. Nội dung cuộc họp được cụ thể qua công văn số 676/CV- D19-5 ngày 1-12-2014. Theo đó, với lý do Công ty Dệt 19-5 đang nợ hơn 11 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng cùng lúc có hơn 150 trường hợp xin nghỉ chế độ nên chưa thể chốt được sổ bảo hiểm. Vì vậy, Công ty Dệt 19-5 đề nghị được trả tiền BHXH theo lộ trình: Đóng 4 tỷ đồng trước ngày 31-12-2014 để chốt sổ cho NLĐ, ưu tiên 31 NLĐ của Nhà máy Dệt Minh Khai cũ… Do thời điểm này những công nhân nói trên vẫn chưa được nhận trợ cấp thôi việc nên mọi người cho rằng, văn bản của công ty chỉ mang tính đối phó nhằm để "treo" quyền lợi bảo hiểm của NLĐ.

Đơn vị sử dụng lao động kêu khó


Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Hồng Tuy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19-5. Ông Tuy lý giải, từ tháng 3-2011, sau sáp nhập Nhà máy Dệt Minh Khai vào Công ty Dệt 19-5, công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi sáp nhập, Nhà máy Dệt Minh Khai thua lỗ lớn. Trong số hơn 500 NLĐ nhà máy chuyển sang Công ty Dệt 19-5, đến nay đã giải quyết BHXH cho 250 trường hợp xin chấm dứt hợp đồng lao động. Riêng 31 người có đơn từ tháng 8-2014, được coi là đợt cuối muốn xin nghỉ việc. Ngày 26-9, công ty đã nhận toàn bộ đơn xin nghỉ việc, sau đó làm thủ tục để ra quyết định cho thôi việc. Theo quy định, sau 45 ngày đơn vị sử dụng lao động sẽ chi trả chế độ, và đến ngày 15-12 là hạn cuối. Tuy nhiên, khi chưa đến thời điểm thanh toán, NLĐ đã có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng mà không làm việc với Ban chấp hành công đoàn.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên…

Cũng theo ông Trần Hồng Tuy, ngày 6-12-2014, Công ty Dệt 19-5 đã chi trả tiền trợ cấp cho 31 NLĐ muốn nghỉ việc với số tiền 1,2 tỷ đồng. Mặc dù đang gặp khó khăn, nhưng công ty cam kết đóng 4 tỷ đồng tiền BHXH đúng thời hạn là ngày 31-12-2014, đồng thời đã gửi công văn xin nộp tiền trước cho 31 lao động…

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, bà Lê Ngọc Anh - Giám đốc BHXH quận Thanh Xuân cho biết, BHXH quận mới nhận được công văn xin đóng BHXH theo lộ trình của Công ty Dệt 19-5. Tuy nhiên, có thể hiểu công văn này chỉ mang tính chất thông báo, vì đến thời điểm 23-12-2014, chưa báo phát sinh tiền từ Công ty Dệt 19-5 vào tài khoản BHXH quận Thanh Xuân. Theo bà Lê Ngọc Anh, đây không phải lần đầu tiên Công ty Dệt 19-5 làm thủ tục BHXH cho NLĐ xin nghỉ việc. Trước đó, công ty này đã nhiều lần đề nghị tách đóng BHXH để giải quyết chế độ cho NLĐ nên quá biết rõ thủ tục cần phải hoàn tất (nộp danh sách lao động đề nghị, nộp tiền theo cam kết, hồ sơ giải quyết chế độ hưu trí) thay vì chỉ gửi công văn đơn thuần. Bà Lê Ngọc Anh khẳng định, khi Công ty Dệt 19-5 hoàn tất các thủ tục theo quy định, BHXH quận Thanh Xuân sẽ có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu.

Như vậy cho đến nay, việc chi trả chế độ cho 31 NLĐ của Công ty Dệt 19-5 vẫn chưa được hoàn tất các thủ tục để giải quyết dứt điểm. Việc chậm trễ này xuất phát từ tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như điều kiện sáp nhập các đơn vị sử dụng lao động dẫn đến NLĐ lo lắng về quyền lợi BHXH không được bảo đảm là hoàn toàn có cơ sở. Đề nghị Công ty Dệt 19-5 sớm hoàn thành thủ tục giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ như đã cam kết và báo cáo với cơ quan chức năng, tránh trường hợp khiếu kiện phức tạp như trong thời gian qua.

Duy Biên - Thùy Ngân