Chọn thực phẩm an toàn: Bao giờ kiến thức thay cho kinh nghiệm?
Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 05/01/2015
Tiền thuốc men và viện phí cho mỗi nạn nhân ngộ độc do vi sinh vật tốn khoảng 300.000-500.000 đồng, các ngộ độc do hóa chất, thuốc trừ sâu, phẩm màu… từ 3 đến 5 triệu đồng nhưng các chi phí do bệnh viện phải chịu còn lớn hơn nhiều lần. Do đó, vấn đề tăng cường nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng.
Trước thực trạng đó, hiện nay Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội (Sở NN& PTNT) đang tổ chức các buổi đưa hội viên Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố đi tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn để nâng cao khả năng nhận diện các loại rau, củ, quả, thịt, cá an toàn đang bày bán trên thị trường. Tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) hiện có 90ha sản xuất rau màu, trong đó vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn có 65ha. Tính đến nay, diện tích rau được Sở NN&PTNT cấp chứng nhận là 62,5ha với sản lượng bình quân trên 20 tấn/ngày, trong đó thế mạnh là su hào, bắp cải, súp lơ, cải ngồng… Tuy nhiên, để người tiêu dùng phân biệt được rau sản xuất theo quy trình an toàn và rau thông thường nên thông qua các buổi tham quan ở vùng sản xuất sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được nhìn thực tế quy trình sản xuất của nông dân.
Ảnh minh họa |
Theo bà Trần Thị Vân, hội viên Hội Phụ nữ quận Đống Đa, hằng ngày bà đi chợ mua thực phẩm thường chỉ đến các cửa hàng quen thuộc để mua còn sản phẩm đó có an toàn hay không thì không thể biết được vì không có nhãn mác chứng minh. Còn mua ở các cửa hàng rau, thịt an toàn thì bà cũng chưa tin vì sợ thương lái trà trộn sản phẩm "bẩn" vào. Do đó, việc đi thực tế tham quan sản xuất các mô hình rau an toàn như vậy rất bổ ích, giúp bà có thêm kiến thức khi lựa chọn thực phẩm sạch cho bữa cơm gia đình.
Theo ông Hoàng Văn Toàn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thị trấn Chúc Sơn, người tiêu dùng hiện nay mua sản phẩm vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính chứ chưa có kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Hơn nữa, các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, giá đang cao hơn khoảng 10% so với các loại thực phẩm không có nguồn gốc, trong khi niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn chưa cao dẫn tới các loại thực phẩm "bẩn" vẫn có nơi tiêu thụ. Để người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm an toàn ở các chợ đang bán rau, củ, quả, ngoài việc dán tem nhãn mác theo quy định đã được cấp có thẩm quyền cho phép, thì Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng từng bước hiểu được lợi ích của việc dùng thực phẩm sạch.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc tổ chức cho hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố đi thăm các mô hình sản xuất an toàn ở các huyện nằm trong chuỗi hoạt động của trung tâm nhằm giúp người tiêu dùng có kỹ năng nhận diện sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, tiếp cận được các kênh phân phối nông sản thực phẩm sạch và để xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đặc biệt, qua thăm mô hình thực tế, mỗi hội viên phụ nữ sẽ có kiến thức và trở thành một tuyên truyền viên giúp những người xung quanh biết được về sản phẩm nông nghiệp sạch. Nhà nước cần mở các lớp tập huấn cho người dân để họ có kiến thức về lựa chọn các sản phẩm an toàn khác so với sản phẩm không an toàn ở màu sắc cũng như chất lượng. Để tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, các vùng sản xuất thực phẩm an toàn cần phải xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng chất lượng…