Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô: Nhìn từ văn học
Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 04/01/2015
Cả 9 lĩnh vực đều có những đại diện xuất sắc được vinh danh, trong đó văn học là một trong 3 lĩnh vực có nhiều giải nhất với 4 đại diện. Qua góc nhìn văn học, cũng thấy thêm nhiều điều quanh một mùa giải và quanh đời sống sáng tác...
Các tác phẩm đoạt giải văn học nghệ thuật Thủ đô 2014. |
Lý luận phê bình được mùa
Hai tác phẩm lý luận phê bình (LLPB) văn học đoạt giải là con số đáng mừng không chỉ của lĩnh vực này mà còn là của mùa giải VHNT Thủ đô 2014. Đó là "Mùi chữ" (nhà báo, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam) và "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.
Đáng mừng là bởi LLPB văn học lâu nay được xem như phần còn yếu của đời sống văn học. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học Việt Nam trong thời kỳ mới" ra đời năm 2008 đã nêu rõ điều này với những nhận định như hoạt động lý luận còn lạc hậu nhiều mặt, hoạt động phê bình có biểu hiện tụt hậu, chưa thực sự đồng hành cùng sáng tác...
Vậy nên, khi VHNT Thủ đô tìm được những đại diện cho giải thưởng mảng LLPB thì ít nhiều đã cho thấy sự khởi sắc và thành tựu đáng ghi nhận của hoạt động quan trọng này. Còn nhớ mùa giải lớn của văn học là Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 cũng không chọn được công trình LLPB văn học tiêu biểu nào để vinh danh. Tất nhiên, giải thưởng không phải là tất cả của đời sống sáng tạo, song đối với những người ở vị trí đãi cát tìm vàng thì việc không tìm được đại diện thỏa đáng cũng là một điều đáng tiếc.
Trở lại với "Mùi chữ" và "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo", có một điểm đáng chú ý đây đều là tác phẩm của hai nhà báo trong làng văn nghệ. Hoài Nam là nhà LLPB công tác tại Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam, còn Phạm Khải cũng là người vừa sáng tạo vừa "gác" tờ báo văn nghệ có tiếng của làng báo là Văn nghệ Công an. Dưới góc nhìn nhà báo có thể những vấn đề của đời sống văn nghệ đã được nhìn nhận, phản ánh một cách kịp thời, gần gũi hơn chăng? Chúng ta không quên đã có không ít cuộc trao đổi, tranh luận về phê bình hàn lâm và phê bình báo chí. Đương nhiên đời sống đã trả lời rằng sự tồn tại của mỗi phương thức phê bình có lý do riêng và chúng không phủ nhận nhau một khi cả hai thực sự làm tốt vai trò của mình.
"Mùi chữ" của Nguyễn Hoài Nam do NXB Phụ nữ in quý I năm 2014 với 3 phần "Tìm lại người quen", "Tìm trong trang sách" và "Nghĩ về văn chương". Trong đó, "Nghĩ về văn chương" là những chịu khó tìm tòi, bàn về những vấn đề sát với đời sống văn nghệ như "Chúng ta cần gì ở các nhà văn trẻ?", "Văn nhân với thị trường", "Nghĩ về công chúng của nghệ thuật"… "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của Phạm Khải thì ra mắt cuối năm 2013 do NXB Dân Trí ấn hành. Các bài viết được chia làm hai phần lớn là Tiểu luận và Phê bình. Có thể thấy qua đây một thái độ dấn thân rõ ràng khi tác giả đi thẳng vào những vùng nóng của văn chương như "Những lý do đoản thọ của loại văn chương ám chỉ", "Từ một đề thi, nói thêm về việc chọn văn trong nhà trường"…
Thơ vắng bóng khi văn xuôi có nhiều phát hiện
Đinh Vũ Hoàng Nguyên, chàng họa sĩ trẻ sớm rời cõi tạm ở tuổi 37 với tập "Có một phố vừa đi qua phố" và cây bút nổi tiếng Đỗ Bích Thúy với cuốn tiểu thuyết xinh xắn về Hà Nội "Cửa hiệu giặt là" là hai chủ nhân của Giải thưởng VHNT Thủ đô ở mảng văn xuôi.
Nếu như Đỗ Bích Thúy là cây bút đã khá quen thuộc trên văn đàn thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên được xem là một phát hiện mới. Và qua tập di cảo của anh - chọn lọc các bài viết, truyện ngắn, thơ đã đăng trên mạng, một nhà văn trong Hội đồng Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng "thấy được một góc tử tế của văn chương mạng". Những bài thơ, câu chuyện mà Nguyên viết đều là những chuyện bình dị trong đời sống, nghe dửng dưng, hài hước nhưng lặn sâu dưới lớp vỏ ấy là một tâm hồn tinh tế, nhân hậu lộ nét tài hoa của người nghệ sĩ. Còn nhớ ở cuốn tạp văn mới ra của mình, nữ đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam - Việt Linh đã lấy một ý thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên trong tập "Có một phố vừa đi qua phố" là "Mầm nắng" để đặt tên cho một bài viết...
Lại nói về Đỗ Bích Thúy, rằng quen thì cũng thật là quen song với "Cửa hiệu giặt là" thì Giải thưởng VHNT Thủ đô 2014 đã vinh danh một nỗ lực mới của giọng văn miền núi đặc sắc này. "Cửa hiệu giặt là" là cuốn sách viết riêng về Hà Nội của Thúy dưới một góc nhìn như tên gọi của tác phẩm vừa gợi được những nét vừa xưa cũ vừa tự nhiên phô bày sinh động tính chất "quần ngư" của thành phố. Vì vậy, không cần đồ sộ mà lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi nhận định về cuốn sách này đã nói ngắn gọn "Cảm ơn Đỗ Bích Thúy đã viết về Hà Nội".
Trong khi văn học có hai giải thưởng cho LLPB và hai giải cho văn xuôi thì "nàng thơ" không có ai lọt mắt xanh Hội đồng Giải thưởng. Được mùa, mất mùa là lẽ tự nhiên, nhất là khi như một thành viên Hội đồng giải thưởng đã bày tỏ thì những đổi mới trong thơ chưa chạm đến chiều sâu tư tưởng của tác phẩm...
Khép lại một mùa Giải thưởng VHNT của Thủ đô, từ góc nhìn văn học để thấy cuộc sống là nguồn năng lượng lớn nhất cho sáng tạo và công bằng đối với mọi người viết.