Mong ước đầu năm
Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 04/01/2015
Đó là hành xử của đơn vị kinh doanh sách đối với tác giả - nhà văn, nhà thơ. Chọn một tác giả, tác phẩm văn học để in, đơn vị làm sách đương nhiên phải đặt lên bàn cân nếu không vì lợi nhuận kinh tế thì cũng sẽ liên quan đến xây dựng thương hiệu. Điều ấy dễ hiểu nhưng sẽ thật sự đàng hoàng nếu đơn vị rõ ràng hơn với tác giả. Thực tế, có nhà thơ được mời in sách nhưng không hề biết đến mặt mũi cái hợp đồng thế nào. Bảo in 1.000 bản hay 2.000 bản thì biết là thế để rồi nhẩm ra số sách tương đương theo tỉ lệ sẽ được trả thay cho nhuận bút. Nhưng đến khi in xong, đơn vị làm sách lại bảo nói thế nhưng không in được thế nên chỉ trả cho từng này sách thôi. Ít hơn số đã nhẩm cũng đành chịu, lại phải bỏ dăm triệu ra mua... Ai bênh được tác giả trong trường hợp này khi tất cả toàn là thỏa thuận miệng?
Lâu nay, trả sách thay nhuận bút không phải là mới. Phát hành sách văn chương có cái khó chung, nhưng cái chính là thái độ của một số đơn vị làm sách. Vẻ như nhà văn chỉ nên biết đến sáng tác chứ bàn tính những vấn đề kinh tế như thể nó... mất "sang trọng" đi. Chỉ khi nào thanh tra ngó tới thì đơn vị làm sách mới "ới" tác giả "em ơi, chị ơi, anh ơi qua ký hộ cho cái hợp đồng với!".
Khổ thân cho cái quyền được tôn trọng của nhà văn. Đến tận ngày gần cuối cùng của năm cũ, lại có thêm một chuyện ngao ngán cho người sáng tác. Đó là việc một nhà xuất bản bị xử phạt vi phạm hành chính kèm phụ lục thống kê 55 trường hợp vi phạm, trong đó đa phần lỗi thật khó chấp nhận "xuất bản trước khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả".
Tất nhiên, cũng may không phải nhà nào, hay đơn vị làm sách nào cũng tư duy kiểu ấy. Và mong ước đầu năm của người sáng tác tưởng hiển nhiên mà xem ra không phải dễ là "bớt đi tính cả nể để còn được ký hợp đồng!"...