“Chiến trường” mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 04/01/2015
Nhất là sau khi hệ thống mạng của Hãng phim Sony Pictures (Mỹ) bị đánh sập vì nghi có liên quan tới kế hoạch ra mắt bộ phim The Interview với nội dung âm mưu ám sát nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un. Sau đó các trang web của Triều Tiên cũng bị các hacker tấn công. Nhiều chuyên gia an ninh đã lên tiếng cảnh báo về một chương mới trong lịch sử chiến tranh mạng có thể gây tổn hại lớn không chỉ cho các doanh nghiệp mà cả mỗi quốc gia.
Tội phạm mạng ngày càng gia tăng làm đau đầu các lực lượng an ninh. |
Trên thực tế, vấn đề an ninh mạng đã được nhiều quốc gia quan tâm trong những năm gần đây khi những bí mật kinh doanh, trao đổi thông tin nội bộ, tư liệu nhạy cảm... trở thành "mỏ vàng" trong con mắt của tội phạm mạng hay còn gọi là hacker. Vì thế những vụ lừa đảo, đột nhập ăn cắp dữ liệu qua mạng ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, chiến dịch phòng tránh tội phạm mạng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn thách thức vì ngoài thiệt hại kinh tế lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm, các loại hình tội phạm trên mạng cũng nở rộ, muôn hình vạn trạng không kém loại hình tội phạm truyền thống như đe dọa, tống tiền, khiêu dâm, đồi trụy… cho tới cả khủng bố. Trong khi đó, thế giới vẫn chưa có các quy định cụ thể về chiến tranh mạng. Hiện Ủy ban thứ nhất của Liên hợp quốc về giải giáp và an ninh quốc tế (UNFDDIS) mới đang thảo luận một khung pháp lý quốc tế về chiến tranh mạng.
Giữa lúc các quốc gia còn đang bối rối trước mức độ gia tăng nhanh chóng của tội phạm mạng thì Phần Lan nổi lên như một điểm sáng trong phòng chống loại tội phạm này. Ngay từ năm 2008, chính quyền nước này đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát internet - một khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều quốc gia. Tương tự như các lực lượng cảnh sát khác ở Phần Lan, cảnh sát internet phải hoạt động dựa trên các quy định của luật pháp.
Ngoài nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, phát hiện âm mưu tội phạm trên không gian ảo, họ cũng phải duy trì trang cá nhân và đăng những thông báo liên quan các vấn đề mạng xã hội để giáo dục cư dân mạng về cách hành xử trên internet. Với phương pháp làm việc hiệu quả trên, số lượng tội phạm qua mạng tại quốc gia Bắc Âu này đã được ngăn chặn đáng kể. Theo thống kê, trong năm 2013, cảnh sát internet Phần Lan đã trả lời tổng cộng 3.200 thư điện tử và 5.700 tin nhắn qua mạng xã hội Facebook, trong đó hơn một nửa là trẻ dưới 18 tuổi. Cảnh sát internet đã phải ra tay với 300 trường hợp và xử lý 142 trường hợp có hành vi đe dọa.
Nhiều chuyên gia cho rằng nên lấy Phần Lan làm hình mẫu trong việc đấu tranh chống tội phạm mạng. Trong bối cảnh các quốc gia vẫn chưa thể thiết lập được một mạng lưới cảnh sát internet phối hợp chặt chẽ thì việc ngăn chặn hacker hiệu quả của từng quốc gia cũng giúp giảm đáng kể vụ án qua mạng. Nếu không, internet sẽ sớm trở thành một "chiến trường" mới, khó kiểm soát như chuyên gia an ninh mạng Cedric Leighton, cựu quan chức Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nhận định: "Không gian ảo quá rộng lớn. Bất cứ ai sử dụng internet cũng có thể trở thành quân tốt trên chiến trường internet. Điều đó có nghĩa là tất cả đều có thể trở thành nạn nhân".