H.Kissinger nói về "Kiến trúc sư" Đặng Tiểu Bình

Thế giới - Ngày đăng : 15:32, 21/08/2004

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Đặng Tiểu Bình (1904-2004) vào ngày 22/8/2004, Trung Quốc có rất nhiều hoạt động để kỷ niệm nhà lãnh đạo chính trị tài năng, một

Đặng Tiểu Bình cùng cháu gáiNhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Đặng Tiểu Bình (1904-2004) vào ngày 22/8/2004, Trung Quốc có rất nhiều hoạt động để kỷ niệm nhà lãnh đạo chính trị tài năng, một "Kiến trúc sư" trong việc công cuộc cải cách kinh tế của đất nước 1,3 tỷ dân này.

Cũng nhân dịp này, Cựu Cố vấn An ninh Quốc Gia Mỹ Henry Kissinger, chính khách Mỹ được gặp Đặng Tiểu Bình nhiều nhất khi còn sống, trong một buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, cho biết "Ông Đặng Tiểu Bình là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 20, ông đã đóng góp rất nhiều công sức của mình đối với sự phát triển của Trung Quốc. Rất khó có thể hình dung nổi đất nước Trung Quốc sẽ thế nào nếu thiếu đi Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc chính là nơi đã và đang thực hiện một cách thành công những tư tưởng kinh tế táo bạo của ông Đặng Tiểu Bình". Kissinger nói thêm: "Hầu như những việc đang được Trung Quốc thực hiện trong cuộc cải cách hiện nay, tôi đều đã được nghe Đặng Tiểu Bình nhắc đến từ 15 năm trước. Tất nhiên mọi việc diễn ra theo một cách khó có thể tưởng tượng được thậm chí ngay cả khi ông vẫn còn sống. Đóng góp của Đặng Tiểu Bình đối với Trung Quốc hiện nay là vô cùng to lớn".

"Cuộc cải cách ở Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Tôi lấy làm hân hạnh được nghe ông giảng giải trong nhiều lần gặp gỡ. Và tất nhiên một vinh hạnh khác đối với tôi là tôi đã được chứng kiến những gì ông nói với tôi vào năm 1974 và một lần nữa vào năm 1979 với những gì đang diễn ra tại Trung Quốc hiện nay. Hầu như có rất ít chính khách và cả những nhà lãnh đạo Trung Quốc tiên liệu trước được những gì xẫy ra ở đất nước Trung Quốc chính xác như tiên đoán của mình như ông Đặng Tiểu Bình". Kissinger tiết lộ thêm.

Là một trong những quan chức Mỹ được gặp Đặng Tiểu Bình một cách thường xuyên, Kissinger cho biết, ông rất ấn tượng với phong cách chính trị của Đặng Tiểu Bình cũng như cách sống của ông. Ông mô tả Đặng Tiểu Bình như là "Một người ít nói nhưng có khả năng khái quát một vấn đề và diễn giải nó chỉ bằng vài câu đơn giản, ông là người có khả năng giải quyết được rất nhiều vấn đề trong một khoảng thời gian nhanh nhất".

Ding Chun, một giáo sư kinh tế, người Mỹ, của trường đại học Funban tại Thượng Hải cho biết: "Ông Đặng Tiểu Bình còn nổi tiếng là 'Kiến trúc sư' trong việc cải cách kinh tế Trung Quốc và mở ra nhiều đường lối chính sách. Trung Quốc đã không nói rõ ràng rằng mục đích của cải cách kinh tế là hình thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cho đến năm 1992 khi Đặng Tiểu Bình có chuyến đi tới miền nam Trung Quốc và bắt đầu những bài phát biểu mạnh mẽ của mình về nền kinh tế thị trường trong khi phần lớn người dân Trung Quốc vẫn lo ngại khi nhắc đến thuật ngữ này. Những đề cập táo bạo của Đặng Tiểu Bình đã dẹp bỏ được những thành kiến thâm căn cố đế và không hiểu biết của người dân Trung Quốc về nền kinh tế thị trường mà người dân Trung Quốc dạo đó thường gọi là "Thứ rác rưởi của chủ nghĩa tư bản".Điều mà Đặng Tiểu Bình làm rõ về vấn đề nền kinh tế thị trường đã đưa ông trở thành người đi tiên phong hàng đầu về kinh tế tại Trung Quốc. Khi ông nói ông thường trích dẫn những câu quen thuộc như "ứng dụng của nền kinh tế kế hoạch hoá không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, do cũng có nền kinh tế kế hoạch hoá dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và những ứng dụng của nền kinh tế thị trường không phù hợp với chế độ tư bản chủ nghĩa, do cũng có rất nhiều nền kinh tế thị trường dưới chế độ xã hội chủ nghĩa".

Nghịch biện đơn giản nàycủa Đặng Tiểu Bình đã mở đường cho sự tiếp cận của Trung Quốc tới nền kinh tế thị trường. Vào năm 1993, một năm sau khi Đặng Tiểu Bình đưa ra những nhận xét mang tính lịch sử, đã có hơn 40 học giả kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc cho xuất bản cuốn "Các nhà kinh tế học hàng đầu Trung Quốc về cải cách". Trong cuốn sách này, các nhà kinh tế học đã thảo luận về tính khả thi và tính pháp lý của nền kinh tế thị trường sẽ có hiệu quả đối với một đất nước xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc cải cách ở Trung Quốc hiện nay đang đi theo từng bước mà ông Đặng Tiểu Bình đã vạch ra. Ban đầu Đặng Tiểu Bình làm chấn động cả thế giới với ý tưởng "phi- xã hội chủ nghĩa" của mình vào năm 1979, khi Trung Quốc đẩy mạnh cải cách chính phủ và mở một hướng đi mới. Trong buổi họp mặt có nhiều khách nước ngoài tới thăm, Đặng Tiểu Bình đã làm họ giật mình trước một câu hỏi không đợi trước "Tại sao một nước xã hội chủ nghĩa lại không thể có một nền kinh tế thị trường?" Sau đó, Trung Quốc đã hình thành 4 Đặc khu kinh tế nơi một nền kinh tế thị trường sơ khai bắt đầu hình thành. Tầm nhìn và sự quyết tâm của mình đã khích lệ ông đẩy mạnh việc triển khai và cải cách nền kinh tế thị trường theo hướng của Trung Quốc, mang "Đặc sắc của Trung Quốc" để làm sao phù hợp với thực tế nước này.

Hiện nay Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục không công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường nhưng các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Niu Dilân, Xinhgapo những nước có nền kinh tế thị trường thành công loại nhất thế giới lại thừa nhận: "Trung Quốc đã có một nền kinh thế thị trường đầy tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ". Trong một thập kỷ qua, tổng thu nhập quốc nội của Trung Quốc tăng 8% một năm và nguồn dự trữ ngoại tế vượt mức 400 tỷ đôla. Phần lớn các nhà kinh tế phương Tây đồng ý rằng chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi nền kinh tế thị trường hoàn hảo của Trung Quốc được các siêu cường kinh tế của châu Âu và Mỹ công nhận.

Mai Hương

ANHTHU